Hội Môi giới BĐS Việt Nam đã kiến nghị quay trở lại bán hàng qua sàn
Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) mà Bộ Xây dựng trình Quốc hội đã dành 2 nội dung sửa đổi đối với hoạt động môi giới, dịch vụ địa ốc. Cụ thể, bỏ quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS khi bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập của tổ chức trung gian này đối với thị trường BĐS, đồng thời bảo đảm được quyền tự chủ trong kinh doanh cho các DN.
Đồng thời, quy định chặt chẽ về điều kiện của cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ BĐS...
Tuy nhiên, đây cũng là 2 vấn đề gây tranh cãi, chưa thống nhất quan điểm từ nhiều phía. Điển hình nhất là quan điểm của đại diện lãnh đạo Hội Môi giới BĐS Việt Nam (trực thuộc Hiệp hội BĐS Việt Nam – VnREA).
Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, 5 năm qua, cả nước có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS, nhưng chỉ có khoảng 80.000 môi giới là đủ điều kiện hành nghề. Mức độ tăng trưởng của nghề này trung bình khoảng 15%/năm.
Số lượng môi giới BĐS tăng nhanh, đã góp phần mang lại sự thuận tiện, nhanh chóng - qua đó giúp khách hàng tiêu dùng ra quyết định đầu tư tốt, an toàn và đảm bảo tính pháp lý cũng như quyền lợi hợp pháp. Dẫu vậy, theo lãnh đạo Hội Môi giới, tính chuyên nghiệp và an toàn chỉ thuộc về những cá nhân (đơn vị) môi giới có đủ điều kiện hành nghề. Ngược lại, với những môi giới chưa có đủ điều kiện hành nghề (được cấp chứng chỉ cũng như đào tạo chuyên sâu về kiến thức nền) thì thường xảy ra hiện tượng làm ăn chộp giật, thậm chí vi phạm pháp luật.
Hội Môi giới BĐS Việt Nam đã kiến nghị quay trở lại bán hàng qua sàn, nhằm giúp thị trường minh bạch hơn. Cụ thể, khi bán hàng qua sàn, buộc phải chuyên nghiệp hơn, hàng đã được đưa lên sàn phải cực tốt, phải có kiểm chứng để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng…. Kiến nghị này của Hội hiện đang nhận được sự ủng hộ từ Bộ Xây dựng.
Đông Hòa