Phát biểu tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì vừa qua, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Ngân hàng Techcombank, mã cổ phiếu TCB - sàn HoSE) cho biết, việc khó triển khai các dự án nhà ở xã hội không nằm ở phía chủ đầu tư mà là ở phía người mua dự án.
“Nếu có người mua hàng và sản phẩm được tiêu thụ thì chủ đầu tư sẽ không gặp vấn đề”, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank nhận định.
Do đó, ông Hồ Hùng Anh đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét về khung tín dụng, bù đắp lãi suất và rủi ro đối với phân khúc nhà ở xã hội, nhằm tháo gỡ các ràng buộc về điều kiện cho vay, tạo điều kiện cho các ngân hàng có thể dễ dàng cho vay với lãi suất thấp hơn và trong khoảng thời gian dài hơn.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện có 30 dự án có nhu cầu vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Các ngân hàng thương mại đã giải ngân 640 tỷ đồng cho các dự án và 6 tỷ đồng cho người mua nhà. Tỷ lệ giải ngân gói này hiện đạt khoảng 1%.
Ngân hàng Techcombank hiện đã đề xuất triển khai gói vay với lãi suất chỉ 4,8%/năm, cố định trong 5 năm, tương tự như gói vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, với quy mô 30.000 tỷ đồng.
“Tôi cho rằng trước đây các ngân hàng thận trọng vấn đề pháp lý, khi mà tài sản này chưa đóng tiền quyền sử dụng đất thì rất ngại làm tài sản đảm bảo cho vay ngắn hạn. Nếu bây giờ với Luật Đất đai sửa đổi, Luật bất động sản thì ngân hàng cho vay 20 - 30 năm là bình thường. Áp lực về lãi suất rất thấp. Chúng tôi sẵn sàng cho vay 20 - 30 năm tùy theo khả năng trả nợ của khách hàng và chủ đầu tư”, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank nói.
Ông Hồ Hùng Anh cũng phân tích thêm, hiện nay thời gian từ lúc triển khai dự án đến lúc các chủ đầu tư được huy động vốn sẽ mất khoảng 3- 6 tháng. Sau khi dự án xây dựng xong phần móng, chủ đầu tư sẽ được phép huy động vốn và bán căn nhà hình thành trong tương lai. Do đó, nếu các chủ đầu tư triển khai xây dựng nghiêm túc, thực hiện việc bán hàng đúng đối tượng và người mua nhà được tiếp cận vốn vay từ sớm thì hiện tượng đọng vốn, chậm giải ngân quỹ tín dụng cho phát triển nhà ở xã hội sẽ không còn.
Ngược lại, nếu chủ đầu tư gặp các vướng mắc pháp lý thì có thể mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện và tất nhiên là đọng vốn.
Để hạn chế các vấn đề pháp lý, ông Hồ Hùng Anh đề xuất các địa phương xem xét, cân nhắc việc mở rộng các quỹ đất công và tiến hành đấu thầu để phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, kiến nghị các địa phương cần sớm phân loại, xác định đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội.
Chủ tịch Ngân hàng Techcombank cũng cho rằng muốn đạt mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ thì cần có sự hài hoà giữa ba bên, gồm Nhà nước, doanh nghiệp, và người dân. Trong đó, các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động hỗ trợ cho cán bộ công nhân viên trong việc tiếp cận, có cơ hội sở hữu nhà ở.
Cũng tại hội nghị, trả lời về đề xuất gói vay 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội của Ngân hàng Techcombank, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết có thể áp dụng đề xuất này với các ngân hàng khác.
Trúc Mai