Theo đó, thứ nhất, Dệt may Thành Công đã có hành vi quản lý chưa chặt chẽ, chính xác đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo loại hình E21, E31 phát sinh chênh lệch thiếu/âm đối với một số nguyên liệu, vật tư tại thời điểm hết ngày 31/12/2023 mà chưa giải trình, xác định được chính xác, cụ thể nguyên nhân chênh lệch khi cơ quan hải quan kiểm tra sau thông quan.

Thứ hai, Dệt may Thành Công quản lý chưa chặt chẽ, chính xác đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo loại hình E21 phát sinh chênh lệch thừa/dương đối với một số nguyên liệu, vật tư tại thời điểm hết ngày 31/12/2023 thuộc các hợp đồng gia công đã kết thúc mà chưa giải trình, xác định được chính xác, cụ thể nguyên nhân chênh lệch khi cơ quan Hải quan kiểm tra sau thông quan và tại thời điểm kiểm tra, Dệt may Thành Công vẫn chưa có phương án xử lý đối với các nguyên liệu, vật tư này.

Thứ ba, Dệt may Thành Công chưa kê khai nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá thuộc 10 tờ khai nhập khẩu tại chỗ theo loại hình E31 từ doanh nghiệp nội địa theo chỉ định của đối tác nước ngoài và khai sai đối tượng miễn thuế giá trị gia tăng dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp đối với hàng hoá nhập khẩu thuộc 1 tờ khai nhập khẩu theo loại hình A12.

Thứ tư, Dệt may Thành Công đã khai báo sai đồng tiền của khoản phí điều chỉnh cộng (phí vận chuyển) của 30 dòng hàng thuộc 17 tờ khai nhập khẩu miễn thuế E31 (đồng tiền của khoản phí vận chuyển thực tế là VND nhưng khai báo là USD) và khai sai tổng giá tính thuế của 1 tờ khai B11 (tổng giá tính thuế là 71.481,14 USD nhưng khai báo là 7.148.114 USD) dẫn tới sai trị giá tính thuế của các dòng hàng thuộc 17 tờ khai nhập E31, 1 tờ khai xuất B11.

Thứ năm, Dệt may Thành Công đã lập báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, thành phẩm xuất khẩu năm 2019, 2020, 2021, 2022, 2023 chưa phù hợp với số liệu ghi nhận trên sổ theo dõi nguyên liệu, vật tư, thành phẩm.

Thứ sáu, Dệt may Thành Công chưa thực hiện thủ tục thông báo hợp đồng gia công lại, cơ sở sản xuất của bên nhận gia công lại cho cơ quan Hải quan theo quy định.

Thứ bảy, việc khai báo xuất xứ của mặt hàng “V96C4L6567X#&vải dệt kim 96% cotton 4% lycra, khổ 65/67” (vải nhuộm) các loại xuất khẩu thuộc 7 dòng hàng/5 tờ khai xuất khẩu theo loại hình E52 đã được kiểm tra của Dệt may Thành Công là chưa phù hợp, hàng hoá xuất khẩu chưa đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định. Tuy nhiên, Dệt may Thành Công đã kê khai trên hồ sơ xuất khẩu là hàng hoá có xuất xứ Việt Nam – Made in Việt Nam.

Thứ tám, Dệt may Thành Công đã tổng hợp, thống kê chưa thống nhất, chính xác về thông tin một số nguyên phụ liệu tại bảng kê khai hàng hoá xuất khẩu đạt tiêu chí xuất xứ thuộc hồ sơ đề nghị cấp C/O và tự chứng nhận xuất xứ REX so với thực tế quản lý sản xuất sản phẩm xuất khẩu của Dệt may Thành Công.

Cuối cùng, hàng hoá thuộc 9 dòng hàng thuộc 7 tờ khai xuất khẩu theo loại hình E62 có lập hồ sơ tự chứng nhận xuất xứ REX của Dệt may Thành Công không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định. Trong đó, tình tiết tăng nặng là Dệt may Thành Công đã vi phạm nhiều lần.

Như vậy, tổng số tiền xử phạt là hơn 1,7 tỷ đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính với số tiền gần 618 triệu đồng.

Phía Dệt may Thành Công cho biết thêm đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền phạt vi phạm hành chính theo quy định. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/12, cổ phiếu TCM giảm 250 đồng về 47.900 đồng/cổ phiếu.

Thuận Yến (t/h)