Lãnh đạo 27 nước EU luôn nhấn mạnh đến sự đoàn kết. Thậm chí bản thân cái tên của liên minh này đã mang ý nghĩa đó. "Liên minh" (Union) xuất phát từ từ unus trong tiếng Latinh nghĩa là "một" và sự đoàn kết (solidarity) xuất phát từ từ solidus có nghĩa là "vững chắc, toàn thể và không thể chia rẽ". Giống như một sự kết hợp hoàn hảo, EU có nghĩa là một liên minh đoàn kết.
Tuy nhiên, trên thực tế, EU không đoàn kết như cái tên của liên minh này và mục tiêu mà nó đề cao. Đó cũng là điểm yếu chí mạng của EU. Vấn đề lớn nhất của khối này chính là việc không thể nhìn ra các mối đe dọa, trách nhiệm và sự hy sinh lợi ích giữa tất cả các nước thành viên.
Hiện nay, cuộc chiến ở Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng đang ngày càng khoét sâu sự chia rẽ của EU. Sau 2 thập kỷ, EU phụ thuộc lớn vào khí tự nhiên và hydrocarbon từ Nga mà minh chứng là một mạng lưới đường ống khổng lồ giữa Moscow và các nước EU như Đức.
Hiện Châu Âu đang cáo buộc Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí sau khi điện Kremlin cắt giảm khí đốt sang EU. Vào đầu mùa hè, Nga đã giảm lượng khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1 - đường ống dẫn khí lớn từ Đức tới Nga qua Biển Baltic khoảng 60% công suất của nó. Tuần này, Moscow lại giảm khí đốt qua đường ống trên xuống còn 20% công suất. Nga có thể tiếp tục giảm lượng khí đốt sang Châu Âu và thậm chí cắt hẳn nguồn cung này. Kết quả là những kho dự trữ khí đốt của Châu Âu đang bị bỏ trống, cách xa mức độ cần đạt được khi mùa đông lạnh giá sắp đến.
Giống như bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, câu hỏi đặt ra với EU là cần làm gì trước tình huống nan giải này. Những quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất, đứng đầu là Đức đang kêu gọi các nước EU phát huy sự đoàn kết như định nghĩa của khối này.
Tuần trước, Ủy ban Châu Âu đề xuất toàn bộ khối sẽ tình nguyện giảm 15% tiêu thụ khí đốt với những yêu cầu cắt giảm bắt buộc nếu cần thiết. Phản ứng khác nhau giữa các nước thành viên trong khối là điều có thể hiểu được và không thể tránh khỏi.
Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Hy Lạp và một số nước thành viên EU khác không phụ thuộc nhiều vào khí đốt từ Nga và vì thế họ không thực sự gặp quá nhiều rủi ro. Họ cũng không có đường ống nào vận chuyển khí đốt dự trữ từ Madrid hay Malta sang Bavaria hay Berlin. Vì thế, tại sao họ lại phải đồng ý với chế độ phân phối bắt buộc mà Ủy ban Châu Âu đề ra?
Ngoài ra, trong những năm qua, không ít nước Châu Âu cảnh báo Đức không nên xây dựng 02 đường ống dẫn khí qua Biển Baltic với Nga cũng như không nên chấm dứt cùng lúc hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân.
Nhà quan sát Andreas Kluth đặt câu hỏi trên Washington Post rằng, nếu cuộc chiến ở Ukraine lan rộng sang Châu Âu, liệu Hà Lan, Đức và Italy có cử quân tới bảo vệ Estonia, Latvia và Ba Lan không. Câu trả lời là có nhưng đó là bởi họ đều ở trong NATO và được Mỹ hậu thuẫn chứ không phải họ là thành viên của EU hay đó là biểu hiện của sự đoàn kết.
Các nước lớn trên thế giới đều hiểu điểm yếu này của EU. Các đồng minh của EU lo ngại, những đối thủ của phương Tây sẽ khai thác điểm yếu này để khiến liên minh này thêm chia rẽ.
Khi Gazprom thông báo trong tuần này rằng tập đoàn này sẽ giảm vận chuyển khí tự nhiên qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 xuống 20% công suất, Châu Âu đã nhanh chóng phản ứng.
EU hiện đang chật vật để giảm thiểu tác động của nguy cơ thiếu khí đốt trầm trọng trong mùa đông này trước khi tới thời điểm phải thực hiện chế độ phân phối khí đốt bắt buộc. EU cũng đang tiến hành các thỏa thuận với những nhà cung cấp khác và áp hạn ngạch tiêu thụ khí đốt lên các nước thành viên.
Italy đã ký một thỏa thuận với Algeria ngày 18/07 để tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên từ quốc gia Bắc Phi này, trong khi Pháp gần đây đã ký một thỏa thuận hợp tác năng lượng với Các Tiểu vương Quốc Arab thống nhất (UAE). Azerbaijan dự kiến sẽ tăng gấp đôi lượng khí đốt xuất khẩu sang EU vào năm 2027 và khối này hy vọng Nigeria có thể cung cấp nhiều năng lượng hơn cho Châu Âu.
Dù vậy, câu hỏi đặt ra là liệu EU có đủ thời gian để lấp đầy kho dự trữ khí đốt trước khi mùa đông tới hay không. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen ngày 20/7 cáo buộc "Nga đang tống tiền chúng tôi. Nga đang sử dụng năng lượng làm vũ khí". Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho rằng, Moscow đang cố tình gây bất ổn cho thị trường năng lượng để làm suy yếu sự đoàn kết của Châu Âu và sự ủng hộ của phương Tây với Ukraine.
Trong những năm qua, Châu Âu và đặc biệt là Đức đã phụ thuộc lớn vào khí đốt Nga. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, EU nhập khẩu 45% khí đốt từ Nga. Đức thậm chí nhập khẩu cao hơn với con số là 55%. Cộng hòa Séc, Hungary và Áo cũng là những nước phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga.
Một số nhà quan sát cho rằng, việc Nga cắt giảm khí đốt sang Châu Âu là một bước đi khôn ngoan hơn so với việc cắt hoàn toàn nguồn cung sang châu lục này. Dù vậy, điều đó không an ủi Châu Âu là bao khi họ không thể đặt cược vào việc Nga sẽ duy trì hoặc tăng mức độ xuất khẩu khí đốt hiện nay. Nếu Nga quyết định cắt đứt nguồn cung này, Đức có thể phải tạm thời đảo ngược quá trình dừng sử dụng các nhà máy điện hạt nhân theo từng giai đoạn.
Tuần này, EU đã dàn xếp một thỏa thuận về khí đốt và như thường lệ, liên minh này phải cố gắng xoay xở để đạt được sự nhượng bộ dù đó là một thỏa thuận còn nhiều lỗ hổng và những ngoại lệ. Nhà quan sát Andreas Kluth cho rằng, những quyết định được Brussels vừa đưa ra trên thực tế đã không hề khiến Nga lo ngại.
K.A/VOV.vn