Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (88.965 ca), Mỹ (32.373 ca) và Brazil (13.439 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 1.056 ca), Brazil (377 ca), Mỹ (280 ca) và Mexico (235 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất. Ấn Độ đang nổi lên thành tâm dịch mới của thế giới.
Dù vậy, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.
Mỹ vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch Covid-19 với trên 7 triệu ca nhiễm và trên 204.000 ca tử vong. Tuy nhiên, trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh mới và tử vong tại Mỹ đang giảm đáng kể và 24 giờ qua nước này chỉ ghi nhận có 280 bệnh nhân thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2. Tiếp sau Mỹ là Ấn Độ với 5.60.105 ca nhiễm và 88.965 ca tử vong; Brazil với 4.558.068 ca nhiễm và 137.272 ca tử vong.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Haridwar, Ấn Độ, ngày 19/9/2020 (Ảnh: THX/ TTXVN)
Tại châu Á, Ấn Độ thông báo mở cửa trở lại ngôi đền Taj Mahal tại thành phố Agra nhằm thu hút khách du lịch bất chấp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ chưa có dấu hiệu lắng dịu khi số ca mắc mới và số ca tử vong hằng ngày vẫn ở mức cao, lần lượt là trung bình 100.000 ca và 1.000 ca. Tính đến thời điểm sáng 22/9, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 5.560.105 triệu người mắc bệnh và 88.965 ca tử vong.
Bang Victoria của Australia ngày 21/9 ghi nhận 11 ca nhiễm mới - mức thấp nhất trong 3 tháng qua. Dù vậy, chính quyền bang này khẳng định không có kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế trước kế hoạch đã đề ra.
Tính đến sáng 21/9, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 23.045 ca mắc bệnh, tăng 70 ca so với số liệu một ngày trước, bao gồm 55 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 15 ca có yếu tố ngoại nhập. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Hàn Quốc duy trì số ca nhiễm Covid-19 mới ở mức 2 con số.
Dịch bệnh hiện vẫn diễn biến phức tạp tại Trung Đông. Bộ Y tế Iraq thông báo cấm người nước ngoài nhập cảnh nước này trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng tại nước này cũng như các nước láng giềng.
Iraq mới ghi nhận thêm 3.438 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 319.035 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 64 ca lên 8.555 ca, trong khi số ca bình phục tăng thêm 4.052 ca lên 253.591 ca.
Số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các nước láng giềng của Iraq cũng gia tăng. Bộ Y tế Iran xác nhận thêm 3.097 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 422.140 ca. Số ca tử vong tăng 183 ca lên 24.301 ca, trong khi tổng số ca khỏi bệnh tăng lên 359.570 ca.
Tại châu Âu, Nga thông báo dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh từng áp dụng với các công dân một số nước. Cụ thể, Chính phủ Nga cho biết đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh với người tới từ Hàn Quốc, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan đồng thời người dân Nga có thể tới những quốc gia trên.
Ngày 21/9, Nga ghi nhận 6.196 ca mắc mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 18/7, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 1.109.595 ca. Hiện Nga đứng thứ 4 thế giới về số ca mắc Covid-19. Nhà chức trách Nga cũng thông báo trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm 71 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 19.489 ca.
Tại Đức, ngày 21/9, chính quyền thành phố München thuộc bang Bayern, miền Nam nước này đã quyết định thắt chặt việc thực hiện các quy định về giãn cách xã hội trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại.
Tại Tây Ban Nha, khoảng 1 triệu người dân trong và xung quanh thủ đô Madrid bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa một phần để kiềm chế số ca mắc mới. Các biện pháp hạn chế tại Madrid sẽ kéo dài 2 tuần, tác động chủ yếu tới những người dân sinh sống ở các khu dân cư đông đúc và thu nhập thấp.
Những người này sẽ chỉ được phép đi lại trong những trường hợp đặc biệt như đi làm, đưa trẻ tới trường hoặc đi khám chữa bệnh. Tây Ban Nha đã ghi nhận tổng cộng hơn 659.000 ca mắc Covid-19 - nhiều nhất ở Tây Âu, trong đó 30.495 người đã tử vong.
Các chuyên gia cảnh báo khoảng thời gian 6 tháng tới sẽ rất khó khăn vì virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 – giống các loại viêm nhiễm đường hô hấp khác – sẽ hoạt động mạnh hơn trong thời tiết lạnh, trong khi đó các nghiên cứu hiện tại cho thấy mới chỉ có khoảng 8% dân số Anh đã có kháng thể với virus.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 21/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 8.349 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 15.000 người.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 là Philippines, Indonesia và Myanmar. Indonesia vẫn là nước dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch.
Philippines hiện có tổng số ca mắc bệnh cao nhất trong số các nước thành viên hiệp hội. Số ca bệnh phát sinh trong ngày tại ASEAN tăng nhẹ trong vòng 1 ngày qua.
Indonesia hiện là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực. Philippines số ca tử vong bất ngờ giảm mạnh trong 24 giờ qua.
Singapore và Malaysia vẫn ghi nhận hàng chục ca bệnh mới mỗi ngày, song Singapore tiếp tục kiểm soát khá tốt tình hình và đã nhiều tuần nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì Covid-19.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 15.028 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 145 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 618.120 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 483.846 trường hợp.
Tín hiệu đáng mừng là Việt Nam, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Timor-Leste và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 21/9. Tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN, tạo điều kiện cho việc xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Trang Nguyễn