Tiềm năng lớn
Sáng nay (21/8), Diễn đàn kinh tế Việt Nam (ViEF) 2018 đã khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “Mở rộng thị trường vốn, tài chính Việt Nam – Giải pháp và thách thức”, thu hút khoảng 500 doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và các đơn vị tham gia. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dự và phát biểu tại diễn đàn.
Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá diễn đàn là kênh đối thoại công - tư thường niên hiệu quả để Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương thảo luận trực tiếp với các doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và các tổ chức quốc tế về những vấn đề quan trọng trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, từ đó có các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Thông tin tại hội nghị, kinh tế vĩ mô Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục phát triển ổn định, GDP tăng đều đạt 7,08%, lạm phát được kiềm chế ở mức từ 3,5-3,8%, tỷ giá ngoại tệ được giữ ổn định, lãi xuất ngân hàng cho vay ở mức 12 tháng cũng tương đối ổn định, ở khu vực tiêu dùng là 6,4-7,2 %, khu vực sản xuất kinh doanh là 6,8 - 11%/năm, tính thanh khoản tốt.
Thị trường chứng khoán mặc dù bị tác động từ thị trường quốc tế nhưng có sự ổn định và tăng trưởng khả quan của nền kinh tế đã duy trì niềm tin, động lực để thu hút các nhà đầu tư ngoại. Hầu hết các nhóm cổ phiếu từ xây dựng, thép, bất động sản đến ngân hàng… đều tăng mạnh. Số lượng và loại hình của các tổ chức tham gia thị trường ngày càng tăng, vừa đảm bảo đa dạng hóa đầu tư, vừa đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp lớn đang tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn và niêm yết cũng sẽ giúp thu hút dòng tiền lớn trong năm 2018. Thanh khoản thị trường kỳ vọng sẽ phá kỷ lục 12.000 tỷ đồng/phiên. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, 16 DNNN đã IPO và bán gần 46% vốn điều lệ cho các cổ đông chiến lược, trị giá gần 22.500 tỷ đồng, gấp 4,5 lần trị giá từ IPO của cả năm 2017. Các bộ, địa phương cũng bán vốn nhà nước tại 42 DN với giá trị 5.598 tỷ đồng.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục gia tăng. Trong 7 tháng đầu năm nay, vốn FDI đăng ký đạt 22,94 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017; vốn thực hiện đạt 9,85 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả đó cho thấy Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực ASEAN. Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đang trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 20% GDP, trên 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Khả năng cung ứng vốn còn hạn chế
Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, quy mô hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực, đặc biệt là khả năng cung ứng vốn còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò là kênh dẫn vốn của nền kinh tế, tỷ lệ vốn hóa từ các thị trường như bất động sản, chứng khoán… còn hạn chế. Cấu trúc thị trường trái phiếu mất cân bằng. Tỉ trọng nguồn vốn ngắn hạn cao trong khi tỉ trọng nguồn vốn trung và dài hạn thấp khiến nền kinh tế không đủ nguồn lực bảo đảm phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Chính phủ rất quan tâm đến ba vấn đề liên quan việc đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp và củng cố môi trường đầu tư.
Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ coi ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang biến động trong khi quy mô kinh tế Việt Nam còn nhỏ, độ mở cao. Chính phủ tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, cắt giảm khoảng 50% điều kiện kiểm tra chuyên ngành. Tháo gỡ các vướng mắc khó khăn về thể chế để phát triển thị trường tài chính.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ rất quan tâm sức khỏe của các chủ thể tham gia thị trường và tình trạng vốn mỏng của doanh nghiệp. Phó Thủ tướng cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến ngày 31/12/2016, có tới 53% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam không có lợi nhuận và chỉ có 47% doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh thuế.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay của ngân hàng, chi phí tài chính rất cao, cộng các chi phí hoạt động khác, như: chi phí logistics, chi phí thương mại, chi phí tiếp cận thị trường… sẽ đẩy chi phí hoạt động lên cao.
Ngay cả các ngân hàng thương mại là chủ thể cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng vốn chủ sở hữu cũng rất hạn chế. Muốn tham huy động vốn trên thị trường, bản thân các chủ thể tham gia phải khỏe mạnh.
Vì sao tình trạng doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh thiếu khả quan như vậy, giải pháp cho vấn đề vốn mỏng theo thông lệ quốc tế như thế nào?, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi và mong muốn thông qua diễn đàn, Chính phủ được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này cũng như các vấn đề của thị trường trường tài chính Việt Nam.
"Chúng ta phải phát triển thị trường theo hướng hiện đại và quốc tế, đặc biệt là giải pháp cung cấp vốn, các giải pháp cần đẩy mạnh trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, tái cấu trúc thị trường, tăng cường năng lực hấp thu của hệ thống các chủ thể tham gia thị trường và củng cố tài chính ngân hàng, nhất là trong tình hình kinh tế có nhiều biến động", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường để bảo đảm thị trường hoạt động minh bạch, nhất là đấu tranh chống gian lận, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen và các giải pháp hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng phát triển.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, Chính phủ rất quan tâm vấn đề phát triển thị trường vốn và tài chính trong điều kiện cách mạng 4.0. Sắp tới, Thủ tướng sẽ trực tiếp chủ trì một hội nghị toàn quốc bàn về vấn đề này.
Hoan Nguyễn