Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019” được tổ chức bởi Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh sẽ tổ chức với sự đồng hành của Bộ Công thương và sự tham gia của Đại diện một số Bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện UBND, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công thương và tỉnh, thành phố và doanh nghiệp, hợp tác xã có thành tích tiêu biểu trong phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại diện các Hiệp hội, ngành hàng, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ NN và PTNT cho biết: “Diễn đàn được tổ chức với mục đích đánh giá kết quả sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản nă 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Đồng thời, đây cũng là sự kiện thúc đẩy giao lưu, kết nối các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản”.

Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019” - Hình 1

Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ NN và PTNT chia sẻ tại họp báo

Ông Toản cũng cho biết: “Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019” sẽ trao đổi các giải pháp thúc đẩy, mở  cửa thị trường nông sản và nâng cao tính cạnh tranh của nông sản Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thu hút các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy mô hàng hoá lớn gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi”.

Diễn đàn sẽ bàn về một số vấn đề: Đánh giá kết quả thực hiện năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 với các báo cáo của các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Công thương, kết quả sản xuất nông nghiệp năm 2018 và một số định hướng năm 2019 của Vụ kế hoạch – Bộ NN và PTNT, báo cáo thị trường tiêu thụ nông sản năm 2018 và định hướng năm 2019 của Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ NN và PTNT, vai trò của hệ thống tham tán thương mại trong thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Bộ Công thương; Đề xuất giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản từ góc nhìn của cơ quan nghiên cứu và tổ chức quốc tế gồm phát triển thương hiệu – giải pháp thúc đẩy tiêu thụ và xuất khẩu nông sản Việt Nam của Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Xây dựng hạ tầng chất lượng (QI) để nâng cao tính cạnh tranh của nông sản xuất khẩu Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Ngân hàng Thế giới; Đối thoại thảo luận ý kiến đánh giá, những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp về sản xuất và tiêu thụ nông sản gồm bài tham luận Thực trạng và giải pháp tổ chức liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, tham luận Giải pháp phối hợp với thành viên của Hiệp hội trong việc nâng cao hiệu quả tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, tham luận Giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết chuỗi giá trị trong đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ nông sản của Doanh nghiệp.

Cũng tại họp báo, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết: “Nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều bước phát triển mới, nông nghiệp hoàn toàn có thể tạo ra giá trị gia tăng nhiều, tạo ra sự hấp dẫn với sản xuất kinh doanh. Quan trọng nhất, tạo cho thị trường Việt Nam niềm tin, hài hoà lợi ích, đặc biệt là lợi ích của người nông dân. Nhìn rộng ra, Việt Nam có lợi thế về thuỷ sản, nông nghiệp, quy mô sản xuất quy mô tiêu dùng lớn... Cốt lõi là vấn đề niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng”.

Cũng tại họp báo, trả lời các câu hỏi của phóng viên, ông Nguyễn Quốc Toản cho biết: “Với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chúng ta sẽ làm diễn đàn thực chất, giải quyết vấn đề căn cơ của tiêu thụ nông sản. Chúng ta nhìn nhận vấn đề tiêu thụ nông sản với góc độ ngành sản xuất. Vấn đề tiêu thụ nói chung đã có hệ thống Bộ Công thương... Chúng tôi vừa ngành sản xuất, vừa là cơ quan quản lý nhà nước tương tác với nông dân, chúng tôi rất coi tọng vấn đề tiêu thụ nông sản của bà con nông dân. Diễn đàn sẽ nhìn nhận lại bức tranh sản xuất và tiêu thụ một năm qua như thế nào, với tốc độ hội nhập nhanh như này, đây là vấn đề cấp thiết. Một bà con nông dân sản xuất ra quả trái cây như thế nào cũng coi trọng vấn đề xuất xứ, nâng cao nhận thức, gióng lên nhận thức chung của toàn xã hội, sản xuất cái gì phải đạt chuẩn, mẫu mã đẹp, giá thành cao. Làm sao để bà con nông dân nhận thức rõ vấn đề đó, các câp khuyến nông vào cuộc lam điều đó cùng bà con nông dân”.

 Về thực trạng năm 2018, thực trạng giải cứu nông sản vẫn diễn ra rất nhiều, ông Toản cho hay: “Chúng tôi mong muốn thông điệp của thị trường phải khác đi, qua chuyến công tác Trung Quốc vừa rồi, tôi thấy rằng từ “giải cứu” không tốt chút nào, tôi mong muốn nông sản không còn tồn tại từ “giải cứu”, còn vấn đề hàng giả, hàng nhái thì chúng ta phải lên án. Chúng ta cần giải quyết vấn đề trong nước gắn với xuất khẩu. Chúng ta từ một nước thiếu ăn nhưng giờ đã đủ ăn và thừa xuất khẩu, bài toán giải quyết vấn đè tiêu thụ nông sản phải gắn với chế biến, hệ thống hỗ trợ như siêu thị, logistics, cửa khẩu... Quan trọng là phải ngồi lại để xác định vấn đề trọng tâm”.

Ông Toản cũng đưa ra quan điểm: “Luật quy hoạch năm 2018 có hiệu lực, vấn đề quy hoạch các ngành hàng phụ thuộc lớn và địa phương theo các nhiệm kỳ, phụ thuộc vào lợi thế so sánh của địa phương, do vậy vai trò của địa phương rất quan trọng. Diễn đàn lần này là cơ hội để các địa phương có kết quả ấn tượng trong năm vừa qua chia sẻ kinh nghiệm như Sơn La đã chuyển mình với nhiều khởi sắc... Bên cạnh đó là ý kiến quốc tế như xây dựng hạ tầng chất lượng để nâng cao tính cạnh tranh. Và đặc biệt là ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Hiện nay có hơn 9.000 doanh nghiệp và 13.000 hợp tác xã đồng hành, có 17.000 nhà máy sản xuất với mức đầu tư lớn. Năm nay, Bộ NN và PTNT dự kiến tổ chức Hội nghị toàn quốc về cơ giới hoá nông nghiệp, Thủ tướng Cp trực tiếp chủ trì hội nghị về giống, chế biến,... Tôi hy vọng với đột phá về cách làm, sẽ mang đến những bước phát triển tốt”.

“Năm qua có sức bật lớn về xuất khẩu, đó là đòi hỏi nội lực rất lớn. Ngày 4/1/2018, khi triển khai nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng đã đặt ra mục tiêu 40 tỷ USD. Bằng sự nỗ lực của các ngành hàng, vào cuộc thực chất của các cơ quan quản lý, địa phương, chúng ta đã đạt con số 40,02 tỷ USD. Năm nay, Thủ tướng đã chỉ đạo mục tiêu đạt 43 tỷ USD, đây là 1 con số rất lớn. Năm nay là năm khó khăn trong bối cảnh quốc tế như xung đột thương mại Mỹ - Trung, các vấn đề địa thương mại thay đổi... Đồng chí Bộ trưởng Bộ NN và PTNT nhấn mạnh với tinh thần tiếp cận công tác tham mưu, không chủ quan tình hình, chủ động ứng phó tình hình, chủ động đồng hành cùng báo chí trong công tác thị trường, bàn với nhau vấn đề của thị trường để có cái nhìn chính xác trong việc thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp và bà con nhân dân trong công tác xuất khẩu”, ông Toản nói thêm.

Trúc Mai