Điện Kremlin quyết định dừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria giữa lúc căng thẳng Nga – phương Tây về Ukraine ngày càng tăng nhiệt. Ukraine ngay lập tức đã có phản ứng.
Đại diện Công ty Khí đốt nhà nước Ba Lan PGNiG cho biết, họ nhận được thông báo rằng, tất cả hoạt động giao khí đốt sẽ bị đình chỉ từ 6h ngày 27/04 (giờ địa phương). Công ty này đã lên tiếng trấn an, động thái mới của Gazprom sẽ không làm gián đoạn nguồn cung khí đốt cho người tiêu dùng trong nước do Ba Lan vẫn còn khoảng 76% lượng khí đốt dự trữ và sẽ được bù đắp từ các nguồn thay thế khác.
Cùng ngày, đại diện Bộ Năng lượng Bulgaria cho biết, họ được thông báo việc giao hàng sẽ bị tạm dừng. Các hợp đồng của Bulgaria với Gazprom có thời hạn đến cuối năm nay, tuy nhiên, Bộ Năng lượng Bulgaria cho hay, nước này sẽ không hoàn tất hợp đồng nếu buộc phải thanh toán bằng đồng Rúp bởi điều đó có thể kéo theo rủi ro lớn với Bulgaria.
Andriy Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã lên tiếng cáo buộc Nga đang "bắt đầu cuộc tống tiền bằng năng lượng đối với Châu Âu".
“Nga đang cố gắng phá vỡ sự đoàn kết giữa các đồng minh của chúng tôi. Nga cũng đang chứng minh rằng các nguồn năng lượng là một vũ khí. Đó là lý do tại sao EU cần phải đoàn kết và áp đặt lệnh cấm vận tài nguyên năng lượng, tước vũ khí năng lượng của người Nga", ông Yermak nói.
Ba Lan và Bulgaria là hai quốc gia đầu tiên bị Nga cắt nguồn cung khí đốt kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Cũng giống như hầu hết các nước trong Liên minh Châu Âu (EU), Ba Lan và Bulgaria phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, bất chấp điều này, chính quyền Ba Lan vẫn thúc đẩy EU và các đồng minh phương Tây khác áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn nhất đối với Nga nhằm phản ứng với cuộc tấn công của nước này vào Ukraine.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết, ông có ý định cấm nhập khẩu khí đốt và dầu của Nga vào cuối năm nay và đã có động thái đa dạng hóa nguồn cung để bù đắp tổn thất. Cùng với đó, Bulgaria đã có các cuộc đàm phán về nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng thông qua các nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây leo thang nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh yêu cầu các quốc gia, vùng lãnh thổ "không thân thiện" phải thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng Rúp từ ngày 01/04. Đây cũng là cách để Nga khôi phục giá trị của đồng nội tệ vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây thời gian qua. Mặc dù đã gần 1 tháng kể từ ngày ký sắc lệnh, song đến nay chỉ có một số ít bên mua thực hiện đúng quy định này.
Theo VOV.vn