Đang hoà giải tranh chấp đất, bỗng xử phạt vi phạm hành chính?
Xuất phát từ việc tranh chấp đất đai giữ gia đình bà Hoàng Thị Nguyệt (SN 1970; Quê quán: Tổ dân phố Bàng Đông, phường Bàng La, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng; trú tại: số 48, đường Vĩnh Tiến II, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) với gia đình bà Tô Thị Hân (trú tại Tổ dân phố Tiểu Bàng, xã Bàng La) xảy ra từ lâu, nhưng chính quyền phường Bàng La có biểu hiện giải quyết vụ việc thiên lệch, thừa nhận “Hợp đồng thuê đất” có nhiều dấu hiệu lập khống giữa bà Tô Thị Hân với ông Bùi Hữu Nuôi - Phó chủ tịch xã Bàng La (nay là UBND phường Bàng La) đã “trùm” lên khu đất ao nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) của gia đình bà Nguyệt.
Người khởi kiện và người bị kiện tại phiên toà sơ thẩm (Ảnh: PV)
Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án, thì từ năm 1989, gia đình bà Nguyệt mà đại diện là bố đẻ (cụ Hoàng Đăng Cử) có Đơn xin thầu khoán nuôi trồng thủy sản tại khu đầm này, được ông Nguyễn Đắc Trụ - Chủ tịch UBND xã Bàng La chấp thuận. Sau đó, năm 1991, cụ Cử cho ông Quý (ông Quý là cháu gọi cụ cử là cậu ruột và là chồng bà Hân) mượn nuôi trồng thủy sản. Sau vài năm ông Quý không nuôi trồng thủy sản nữa, lại cho người khác mượn đầm để nuôi trồng thủy sản nên cụ Cử đã đòi lại, giao cho con gái là bà Hoàng Thị Nguyệt quản lý, sử dụng. Năm 2013, các cơ quan chức năng đã đến đo đạc, lập bản đồ giải thửa, sổ mục kê đất đai… thì khu đầm này là thửa đất số 83, tờ bản đồ địa chính số 15 (thuộc tổ dân phố Bàng Đông, phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) có diện tích 3.669,6m2 đứng tên người sử dụng đất là bà Hoàng Thị Nguyệt.
Khu đầm này gia đình bà Nguyệt vẫn nuôi trồng thủy sản, quản lý sử dụng, không có tranh chấp với ai. Để bảo vệ thuỷ sản trong đầm, gia đình bà Nguyệt đã trồng nhiều cây cối để giữ bờ, chống sạt lở. Tuy nhiên, do nạn trộm cắp thuỷ sản vẫn thường xuyên xảy ra, từ đầu năm 2016, gia đình bà Nguyệt đã tiếp tục đầu tư trên 30 triệu đồng để xây dựng thêm hàng rào bằng cọc bê tông cốt thép và dây thép gai quanh đầm để bảo vệ thuỷ sản nuôi trong đầm.
Ngày 8/5/2016, bỗng nhiên bà Tô Thị Hân (vợ ông Quý) đã có Đơn gửi UBND phường Bàng La, cho rằng đây là đất của gia đình bà quản lý từ năm 1991 và chìa ra bản “Hợp đồng thuê đất” thửa đất số 56, tờ bản đồ 04 (theo bản đồ vẽ năm 1990) diện tích 4.500m2 đất, thời hạn 20 năm (từ năm 1998 đến năm 2018) giữa bà Hân và ông Nuôi – Phó chủ tịch UBND xã Bàng La ký, để khẳng định đây là đất của mình thuê của Nhà nước.
Tuy nhiên, “Bản hợp đồng thuê đất” mà bà Hân trình ra lại không có số, không có ngày, tháng, năm ký hợp đồng; không có vị trí khu đất, sơ đồ trích đo; diện tích lớn hơn gần 1000m so với điện tích đầm nuôi trồng thủy sản của bà Nguyệt; tứ cạnh giáp ranh của đầm bà Hân cũng không đúng với tứ cạnh giáp ranh của đầm bà Nguyệt. Trong Hợp đồng này, ông Nuôi – Phó chủ tịch UBND xã Bàng La cũng không có văn bản uỷ quyền nào của Chủ tịch UBND xã Bàng La cho phép ký thay hợp đồng này theo quy định của pháp luật.
Điều đáng nói là với bản “Hợp đồng thuê đất” được ký giữa bà Hân và ông Nuôi có dấu hiệu được làm khống, bất hợp pháp nêu trên, nhưng lại được ông Chủ tịch UBND phường Bà La – Cao Văn Bé lại mặc nhiên thừa nhận và “kết luận chủ sử dụng khu đầm nuôi trồng thủy sản này là của gia đình bà Hân”?
Đặc biệt, trong khi đang hoà giải tranh chấp đất đai, ông Bé lại cho các cán bộ phường này đến lập “Biên bản vi phạm hành chính” và ngày 14/12/2017, ông Cao Văn Bé đã ký Quyết định số 168 xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với bà Hoàng Thị Nguyệt 2 triệu đồng và họp lên “Kế hoạch tổ chức cưỡng chế đất đai” đối với gia đình bà Nguyệt để giao đầm nuôi trồng thủy sản này cho bà Hân.
Bà Hân thay UBND phường “Cưỡng chế đất đai”?
Mặc dù UBND phường đã họp và có Kế hoạch tổ chức cưỡng chế đất đai, tuy nhiên, khi UBND phường Bàng La chưa kịp xử lý, thì vào khoảng 8h 30’ ngày 26/12/2017, mẹ con bà Tô Thị Hân, Vũ Thị Hằng đã tự tổ chức thuê máy ủi, máy cắt và tổ chức hàng chục người đến san gạt, cắt phá toàn bộ hàng rào bảo vệ đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình bà Nguyệt.
Hội đồng định giá và Công an quận Đồ Sơn tiến hành định giá tài sản bị huỷ hoại (Ảnh: Gia Tiệp)
Hậu quả là, toàn bộ hàng rào bảo vệ ao nuôi thuỷ sản bị phá huỷ không còn khả năng bảo vệ thuỷ sản nuôi trong đầm. Trong đó: 84 mét bờ ao bị phá huỷ hoàn toàn, hàng cây trồng từ cách đây khoảng 20 năm để giữ bờ, chống sạt lở cũng bị san ủi xuống đầm làm mất công năng giữa bờ đầm, bảo vệ thuỷ sản mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, chết thuỷ sản nuôi trong đầm; 16 cọc bê tông cốt thép (170 cm x 15 cm x 15 cm) bị gãy đổ và khoảng 350 mét dây thép gai bị mất, số dây thép gai còn lại bị cắt vụn không còn giá trị sử dụng. 133 cây bồ kết và cây xoan giữ đầm bị máy ủi gạt đổ, gãy, hất xuống ao… Một số người nhà của bà Nguyệt đến ngăn cản đã bị đám người bặm trợn chửi mắng, hành hung gây mất an ninh trật tự địa phương.
Thông báo về định giá tài sản của Cơ quan CSĐT Công an quận Đồ Sơn (Ảnh: Phương Thanh)
Sau khi vào cuộc điều tra theo đơn tố giác tội phạm của bà Nguyệt, ngày 24/4/2018, cơ quan công an quận Đồ Sơn đã có Thông báo về nội dung kết luận định giá tài sản cho bà Nguyệt với tổng tài sản gia đình bà Nguyệt bị thiệt hại là 19.453.175 đồng.
Ngoài ra, “Biên bản vi phạm hành chính” số 03 mà UBND phường Bàng La nộp cho Toà án cũng có dấu hiệu lập khống. Cụ thể, khi Tổ công tác của UBND phường Bàng La đến lập biên bản không mời bà Nguyệt đến chứng kiến, ký và không ghi rõ lý do vì sao(?), Biên bản không đóng dấu của UBND phường Bàng La theo quy định. Hơn nữa, “Biên bản” này chỉ có một bản duy nhất, không giao cho “người vi phạm hành chính” là bà Nguyệt biết, thực hiện.(?)
Hiện công an quận Đồ Sơn đang tiến hành thụ lý điều tra nguồn tin tố giác tội phạm vụ án huỷ hoại tài sản, nhưng quá trình điều tra này lại phải ra Quyết định tạm đình chỉ điều tra để chờ kết quả giải quyết của Toà án quận Đồ Sơn và thu thập thêm một số tài liệu chứng cứ khác khi đủ điều kiện sẽ tiến hành phục hồi điều tra vụ án này.
Như vậy, một vụ án hình sự về hành vi huỷ hoại tài sản của người khác, đang lấp ló phía sau vụ án bà Nguyệt khởi kiện quyết định hành chính này, các cơ quan bảo vệ pháp luật quận Đồ Sơn sẽ phải giải quyết!
Ai đã “vẽ khống” vào hồ sơ đất đai của bà Nguyệt?
Ngày 4/10/2019, Toà án quận Đồ Sơn đã tiến hành mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án bà Hoàng Thị Nguyệt khởi kiện Quyết định hành chính số 168/QĐ-VPHC ngày 14/12/2017 của UBND phường Bàng La.
HĐXX sơ thẩm đã quyết định triệu tập 21 người làm chứng và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến toà án. Tuy nhiên, chỉ có 13/21 nhân chứng có mặt.
Bà Hoàng Thị Nguyệt và người đại diện theo uỷ quyền tại phiên toà sơ thẩm (Ảnh: PV)
Phần hỏi tại phiên toà, phía Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Nguyệt đã yêu cầu cho cách ly toàn bộ những nhân chứng là cán bộ UBND phường Bàng La để hỏi từng người một, tránh sự “thông cung”, đối phó. Vì vậy, chỉ riêng có một chi tiết luật sư Trần Hồng Lĩnh truy hỏi “Đoàn công tác của UBND phường tiến hành lập Biên bản VPHC tại khu đầm nuôi trồng thủy sản của bà Nguyệt đang rào thép gai hay ở đâu.?”, thì mỗi người trả lời một kiểu: Ông Nguyễn Văn Nhân – Cán bộ văn phòng UBND phường Bàng La là người trực tiếp ghi biên bản nói “Tôi lập tại bờ ao” (đầm nuôi trồng thủy sản của Nguyệt); ông Hoàng Gia Cường – Công chức tư pháp phường Bàn La “Tôi cùng Đoàn công tác khảo sát tại ao bà nguyệt, thống nhất các nội dung, rồi về lập Biên bản tại nhà bà Lan”; ông Hoàng Đình Tiến – Công chức đô thị, “Lập tại hiện trường”; Ông Nguyễn Đức Khoa – Bí thư chi bộ thôn Bàng Đông, “Biên bản lập tại nhà bà Lan”; Bà Bùi Thị Lan – Tổ trưởng Tổ dân phố Bàng Đông, “Đoàn ra hiện trường kiểm tra trước, tôi ra sau, thấy ngoài bờ đầm nuôi trồng thủy sản không có bàn ghế, tôi đã mời mọi người về nhà tôi lập Biên bản”.
Hầu hết các cán bộ phường Bàng La đều cho rằng “do bà Nguyệt ở xa (phường Vĩnh Niệm, Hải Phòng), gọi điện thoại không được” nên Đoàn không mời bà Nguyệt đến cùng lập Biên bản vi phạm hành chính”.
Tại phiên toà ông Tô Quang Phương – Cán bộ địa chính phường Bàng La thừa nhận “Tôi là người tham mưu cho Chủ tịch UBND phường việc lập Biên bản và ra Quyết định xử phạt VPHC số 168 và là người được lãnh đạo UBND giao nhiệm vụ phải giao Biên bản VPHC và Quyết định xử phạt hành chính 168 đến cho bà Nguyệt. Nhưng đến nay tôi không nhớ có giao không…”
Ông Trần Quang Điệp - Phó chủ tịch UBND phường Bàng La tại phiên toà sơ thẩm (Ảnh: PV)
Khi luật sư Trần Hồng Lĩnh hỏi ông Trần Quang Điệp – Phó Chủ tịch, người đại diện theo uỷ quyền của ông Cao Văn Bé – Chủ tịch UBND phường Bàng La tại toà về nguyên nhân vì sao UBND phường không mời bà Nguyệt đến hiện trường (Đầm nuôi trồng thủy sản) để lập biên bản hay mời về UBND phường để làm việc, lập Biên bản VPHC, thì ông Điệp lúng túng “Vì bà Nguyệt luôn không hợp tác, việc giao các giấy tờ cũng rất khó khăn, nên chúng tôi không mời…”.
Để “gỡ bí” cho thân chủ, Luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải – người bảo vệ quyền và lợi ích cho người bị kiện trả lời thay “Ngày 14/11/2017, UBND phường đã có Giấy mời số 190/GM-UBND mời bà Hoàng Thị Nguyệt để giải quyết. Nhưng sau khi nhận giấy mời, bà Nguyệt có ghi vào giấy mời là “Trong cuộc họp gần đây nhất với quận và phường tôi đã ghi trong văn bản là tôi sẽ không làm việc với chính quyền về việc này nữa… Vì vậy, UBND phường không mời bà Nguyệt đến chứng kiến việc lập Biên bản vi phạm hành chính là đúng”.
Việc lập luận của Luật sư Hải trong việc này không thuyết phục vì: Bản thân giấy mời số 190 của UBND phường ghi rõ là “Giấy mời dự họp về việc giải quyết đơn của bà Hoàng Thị Nguyệt” chứ không phải “giấy mời việc lập Biên bản VPHC hay giải quyết việc vi phạm hành chính”. Tại phần cuối giấy mời này bà Nguyệt còn bức xúc ghi “vì chính quyền đã hoà giải 3 lần không thành, thì việc giải quyết là của toà án…”
Luật sư Lĩnh tiếp tục truy vấn ông Điệp: “Tranh chấp đất đai giữa bà Nguyệt và bà Hân, UBND giải quyết như thế nào?”. “Chúng tôi có Quyết định thành lập Hội đồng hoà giải (số 39 ngày 20/6/2016), do tôi làm Chủ tịch Hội đồng hoà giải”. “Theo ông khi hoà giải không thành, thì giải quyết thế nào?”. “Có thể hướng dẫn các bên gửi lên cấp trên giải quyết tiếp hoặc các bên khởi kiện ra toà án giải quyết”. “Ông có văn bản nào huỷ bỏ việc hoà giải này không?”. “Tôi không trả lời”. “Tại sao UBND phường đang giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà Nguyệt và bà Hân, bỗng nhiện lại quay ra lập Biên bản VPHC và ra quyết định xử phạt VPHC bà Nguyệt 2 triệu đồng?”.
Với câu hỏi này, ông Điệp lúng túng một lúc rồi giải thích: “Vì đất UBND phường cho bà Hân thuê nuôi trồng thủy sản là đất công ích. Bà Nguyệt đến rào chiếm đất của bà Hân. Trong khi giải quyết tranh chấp đất đai, chúng tôi phát hiện bà Nguyệt chiếm đất của bà Hân, cũng là lấn chiếm đất công ích của địa phương quản lý, vì vậy chúng tôi xử lý bà Nguyệt về hành vi VPHC.”
Luật sư Lĩnh hỏi “Cụ Cử bố bà Nguyệt, năm 1989 đơn xin bao thầu “Bãi đất hoang” và “con mương bỏ hoá” (trong đó có thửa đất 83 hiện nay), được ông Nguyễn Đắc Trụ, nguyên Chủ tịch xã ký vào đơn chấp thuận cho đấu thầu 15 năm và nhiều nhân chứng xác nhận. Sau đó, tại “Biên bản bàn giao công trình đưa vào sử dụng” ngày 23/1/1998, được ông Nguyễn Đắc Xuyên – nguyên Chủ tịch xã Bàng La bút phê và đóng dấu cho phép tiếp tục làm… Vậy, ông có tài liệu nào bác việc này không?”
Ông Điệp đáp “Đơn xin bao thầu của cụ Cử có bút phê và đóng dấu của ông Trụ, nhưng đến nay không còn bản gốc, nên tôi không biết là có đúng không. Còn “Biên bản bàn giao công trình đưa vào sử dụng” đó phần trên là photo biên bản, phần dưới có ông Xuyên, nguyên chủ tịch xã lại bút phê, đóng dấu đỏ, là chưa đúng. Mà con mương đó nằm ở vị trí khác không phải “con mương bỏ hoá” bây giờ”.
Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm (Ảnh: PV)
Luật sư Phạm Văn Hoá – người đại diện theo uỷ quyền của bà Nguyệt hỏi: Ông giải thích như thế nào về việc thửa đất mà ông Bùi Hữu Nuôi – nguyên Phó chủ tịch UBND xã ký Hợp đồng cho bà Hân thuê lại có diện tích lớn hơn gần 1000m2 và tứ cạnh giáp danh đều không đúng với thửa đất số 83 bà Nguyệt đang sử dụng?
Ông Điệp đáp “Tôi chỉ biết trước đây ông Quý chồng bà Hân nuôi trồng thủy sản tại đấy, sau này bà Hân lại có Hợp đồng thuê đất nuôi trồng thủy sản với UBND xã; việc đo vẽ bản đồ qua các thời kỳ có thể không chuẩn. Diện tích đầm bà Hân hụt đi gần 1000m2 có thể là do bị lấn chiếm…!”
Khi phiên toà đang diễn ra màn hỏi đáp giữa các vị luật sư và ông Phó chủ tịch Trần Quang Điệp, thì ông Ninh - đại điện VKSND quận Đồ Sơn xin phép HĐXX cắt ngang để hỏi ông Lưu Bá Công – Phó giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ quận Đồ Sơn là người làm chứng tại phiên toà:
“Qua nghiên cứu hồ sơ tôi thấy có BL 96 (Kết quả đo đạc địa chính thửa đất số 83, tờ bản đồ số 15, ngày 15 tháng 3 năm 2013) có dòng chữ viết tay ghi ở góc trên bên trái là “tranh chấp với hộ ông Quý”. Đây là tài liệu quan trọng cần phải được làm rõ. Tôi xin được hỏi ông Công, ai ghi dòng chữ “tranh chấp với hộ ông Quý” vào văn bản này?”. “Tôi không biết. Từ khi chúng tôi nhận các tài liệu do UBND phường bàn giao về thấy đã có dòng chữ này rồi.” - Lưu Bá Công trả lời.
Các cán bộ UBND phường Bàng La có mặt tại phiên toà cũng không có ai biết việc này. Vì vậy, Đại diện VKSND quận Đồ Sơn và bà Nguyệt và các luật sư Nguyễn Quang Chiến, Trần Hồng Lĩnh đã đồng ý đề nghị HĐXX ra quyết định tạm đình chỉ xét xử vụ án này để tiến hành làm rõ việc ai đã ghi dòng chữ “tranh chấp với hộ ông Quý” vào hồ sơ đất đai mà Văn phòng ĐKĐĐ quận Đồ Sơn đang quản lý.
Báo THCL sẽ tiếp tục cập nhật thông tin của vụ án “2 trong 1” này đến bạn đọc.
Gia Tiệp – Phương Thanh