Dự thảo Luật Phòng không nhân dân được lấy ý kiến hiện nay gồm 8 chương với 54 điều. Dự án Luật Phòng không nhân dân có ý nghĩa rất quan trọng góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế đất nước; kiên quyết, kiên trì bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2012. Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, sau 12 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, thực tế đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế; phát huy vai trò phòng, chống mua bán người từ cơ sở và giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới.
Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu nội dung của các dự thảo Luật, các đại biểu đã thảo luận và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng với Đoàn ĐBQH tỉnh. Cụ thể, đối với dự thảo Luật Phòng không nhân dân các đại biểu đã tập trung thảo luận, tham gia ý kiến vào các nhóm vấn đề: huy động, xây dựng lực lượng phòng không nhân dân; quy định quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; quy định các biện pháp về bảo đảm an toàn phòng không; nguồn lực, chính sách đối với phòng không nhân dân…
Đối với dự án Luật phòng, chống mua bán người sửa đổi, các đại biểu đã đóng góp ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề: phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân; hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan về phòng chống mua bán người…
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá cao ý kiến phát biểu, đóng góp của các đại biểu. Những ý kiến đóng góp tại hôi nghị sẽ góp phần quan trọng để Quốc hội sửa đổi các dự án Luật đảm bảo được sự thống nhất, hợp hiến, hợp pháp. Đoàn sẽ tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội nghị để báo cáo Quốc hội trong thời gian tới.
Trần Trang (t/h)