Toàn cảnh kỳ họp
Toàn cảnh kỳ họp thứ 3 – Quốc hội khóa XV.

Tại Tờ trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhấn mạnh, sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.

Đồng thời, việc xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ thể chế Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 41/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2 - Quốc hội Khóa XV.

Do đó, để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý thì việc xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là rất cần thiết.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương và 106 điều, được xây dựng theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm" thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.

Tham gia ý kiến vào Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất cao sự cần thiết ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Cho ý kiến về đánh giá năng lực người hành nghề - một trong những điểm mới nhất của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Lê Văn Cường nhấn mạnh, đây là kỳ sát hạch không có tính cạnh tranh nhưng cần đảm bảo chất lượng, tránh hình thức, gây quá tải cho Hội đồng Y khoa Quốc gia và các cơ sở y tế.

Đại biểu Lê Văn Cường đề nghị, trước năm 2035, lộ trình đánh giá năng lực người hành nghề nên tập trung đánh giá năng lực hành nghề 3 chức danh: Bác sỹ; điều dưỡng; hộ sinh bởi vì 3 chức danh này chiếm khoảng 80% tổng số nhân lực trong cơ sở khám chữa bệnh và đáp ứng hầu hết nhu cầu khám, chữa bệnh cơ bản của người dân.

đại biểu Quốc hội Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa
Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

Đặc biệt, đại biểu Quốc hội Lê Văn Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần bổ sung thêm nội dung chương trình, ngân hàng đề thi để đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Cần quy định Hội đồng Y khoa quốc gia có trách nhiệm xây dựng chương trình, ngân hàng câu hỏi liên quan đến cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Các tài liệu này được cập nhật, công bố công khai và truy cập miễn phí.

Cùng với đó, cần bổ sung thêm 1 hình thức cập nhật kiến thức y khoa liên tục đó là tự học. Vì việc này sẽ giúp các cơ sở y tế có giải pháp khuyến khích nhân viên y tế chủ động tự học, tự đào tạo, tích cực học hỏi qua thực tiễn công việc hàng ngày, cung cấp khoảng 70% lượng kiến thức phục vụ cho quá trình hành nghề. Cần quy định chi tiết và biện pháp thi hành thuận lợi cho điều phối nhân lực, thanh toán Bảo hiểm y tế và thực hiện chế độ chính sách cho nhân viên y tế khi đăng ký làm việc tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh.

Về một số điều khoản liên quan đến nhân lực trạm y tế và các bệnh viện huyện, đại biểu Lê Văn Cường cho biết, hiện nay trên cả nước có gần 2.000 trạm y tế không có bác sỹ. Sau ngày 1/1/2025, dự thảo luật quy định không cấp giấy phép hành nghề cho khối y sỹ dân sự. Việc thu hút bác sỹ được đào tạo chính quy về tuyến xã sẽ vô cùng khó khăn với cả hiện tại và tương lai. 10 năm tới sẽ có những huyện không còn bác sỹ ở trạm y tế, ảnh hưởng đến nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân tại cơ sở. Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương hiện nay đang quá tải, gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực, thuốc, vật tư, thiết bị y tế và tài chính, chỉ đủ nguồn lực để đào tạo nhân lực và hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa cho một số lượng không nhiều trạm y tế trên cả nước.

Đại biểu Lê Văn Cường đề nghị cần quy định chi tiết và các biện pháp thi hành thuận lợi cho điều phối nhân lực, thanh toán bảo hiểm y tế và thực hiện chế độ, chính sách cho nhân viên y tế khi đăng ký làm việc tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh. Điều này sẽ thuận lợi cho bác sỹ ở trạm y tế có thể đăng ký khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện tới 50% thời gian để nâng cao trình độ. Ngược lại, bác sỹ bệnh viện huyện có thể đăng ký 50% thời gian khám, chữa bệnh tại trạm y tế để đáp ứng nhu cầu có bác sỹ giỏi của người dân tại trạm y tế.

Và kiến nghị cần bổ sung thêm chính sách miễn tiền học phí và hỗ trợ chi phí toàn khóa học đối với hệ bác sỹ đa khoa chính quy, đăng ký công tác khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở; tăng chỉ tiêu đào tạo, tăng số lượng biên chế và thực hiện thêm nhiều chính sách để trong 10 năm tới thu hút bác sỹ bệnh viện tuyến huyện, qua đó, vừa nâng cao năng lực của bệnh viện huyện, vừa giải quyết tình trạng thiếu hụt trầm trọng bác sỹ tại trạm y tế trong tương lai.

Hoài Thu