Khó khăn bủa vây, chủ động linh động thay đổi phương án kinh doanh
tại các đô thị lớn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Hải phòng, Quảng Ninh... Nhiều công trình xây dựng phải dừng hoặc giãn tiến độ xây dựng. Người dân giảm thu nhập hoặc có tâm lý chờ đợi đã ảnh hưởng mạnh tới thị trường bất động sản nói chung và lĩnh vực môi giới bất động sản nói riêng.
Sức ảnh hưởng của Covid -19 đến các sàn giao dịch bất động sản là vô cùng lớn khi có tới 28% đơn vị có nguy cơ giải thể, phá sản, 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, rất cần sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô, cộng đồng và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao. Nếu phải duy trì thêm một, hai tháng nữa để chống dịch thì tỷ lệ có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao.
Theo Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DKRA (đơn vị chuyên phát triển, tiếp thị, phân phối dự án bất động sản) Phạm Lâm, giao dịch qua các công ty môi giới bất động sản giảm mạnh do nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội. Hiện, hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp; 28% sàn giao dịch có nguy cơ giải thể, phá sản; 32% đơn vị đang phải nỗ lực duy trì tồn tại...
Còn Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land Nguyễn Thị Thanh Hương thông tin, giãn cách xã hội kéo dài trên nhiều tỉnh, thành phố, kéo theo kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp giảm hơn 30%. Trong khi đó, giá vật liệu xây dựng leo thang còn làm gia tăng chi phí đầu vào, khiến hiệu quả hoạt động bị giảm sâu thêm. Sau gần 2 năm ứng phó với dịch bệnh, nguồn lực dự phòng để doanh nghiệp phục hồi đã dần cạn kiệt...
Thống kê cho thấy, hiện tại đã có 78% sàn giao dịch phải thực hiện cắt giảm nhân sự (cho nghỉ việc) hoặc cho tạm nghỉ việc không lương. Theo đó, 45% lao động trong số các sàn giao dịch thực hiện cắt giảm không còn thu nhập (tương đương khoảng 26.325/75.000 lao động làm việc tại 500 sàn giao dịch). Số còn lại tuy được hưởng lương nhưng cũng chủ yếu là hưởng lương cơ bản, phụ cấp nghỉ dịch, hoặc hưởng 50% lương do thực hiện làm luân phiên. Hiện, 28% sàn đã không còn quỹ lương để trả cho người lao động.
Đáng chú ý là khó khăn về vay vốn, lãi suất vay. Có tới 89% sàn giao dịch không được hưởng chính sách cho vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ các ngân hàng cũng là rất hạn chế.
Cộng với khó khăn chi phí thuê mặt bằng phục vụ sản xuất kinh doanh khi trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng chung, doanh thu sụt giảm, thậm chí không có nguồn thu nhưng có tới hơn 70% các sàn giao dịch không được giảm chi phí thuê mặt bằng. Thậm chí, nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động để chống dịch cũng không được giảm.
Thêm vào đó, từ việc khảo sát về tình hình thụ hưởng chính sách từ nhà nước, Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận thấy thụ hưởng chính sách về gia hạn thời hạn nộp thuế, về giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, về hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, về dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất hầu như không được áp dụng cũng như không được hưởng cả chính sách hoãn nộp Bảo hiểm xã hội.
Thực tế cũng cho thấy, mặc dù các sàn giao dịch đã chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh về thích ứng, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bán hàng nhưng chừng ấy là không đủ để vượt khó. Đặc biệt là đối với các sàn giao dịch có quy mô vừa và nhỏ, có nguồn lực tài chính thấp, sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng.
Doanh nghiệp cần được gỡ khó từ cơ chế, chính sách
Để tăng sức chống chịu cho doanh nghiệp, giúp họ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, các cơ quan liên quan xem xét, điều chỉnh chính sách vĩ mô để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Cụ thể là bổ sung nhóm ngành bất động sản vào nhóm đối tượng được hoãn, giãn thời hạn nộp các khoản thuế, bảo hiểm xã hội; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thời điểm từ tháng 4-2021 đến tháng 12-2021; cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại đến hết năm 2021; các ngân hàng có chính sách giãn tiến độ trả nợ, điều chỉnh lãi suất hợp lý, xem xét không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí... Ngoài ra, doanh nghiệp bất động sản còn kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách, quy trình thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp, cũng như tạo sức bật cho doanh nghiệp hồi phục sau dịch.
Ngày 30-8-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1447/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Tổ công tác); chủ động tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách, có tính chất liên vùng, liên ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp, chỉ sau 2 ngày thành lập, Tổ công tác đã làm việc với Hiệp hội. Trước những kiến nghị của Hiệp hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tổ phó tổ công tác cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trong đó có nhiều nội dung mà doanh nghiệp bất động sản kiến nghị.
Về phía Bộ Xây dựng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có văn bản đốc thúc các cơ quan sớm xem xét và đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện, Bộ Xây dựng đã ban hành chính sách hướng dẫn bù giá cho 13 loại vật liệu có giá tăng đột biến, trong đó có thép. Đồng thời, Bộ đang tổng hợp số liệu từ các địa phương, các doanh nghiệp xây dựng… để có đánh giá cụ thể và sẽ báo cáo Chính phủ, đề xuất giải pháp bảo đảm ổn định thị trường xây dựng.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định về Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó có nhiều nội dung quan trọng được nhận định sẽ tác động lớn đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực này, như việc nới thêm các điều kiện ưu tiên cho doanh nghiệp, dự án đầy đủ pháp lý để có thể triển khai sớm hơn so với trước đây... Gỡ vướng về cơ chế, chính sách lúc này như “máy trợ thở” giúp các doanh nghiệp bất động sản vượt “bão” Covid-19
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).
Khánh Yên