Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Nguyễn Thanh Bình
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Nguyễn Thanh Bình.

Tại Hội thảo, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, việc phối hợp cung cấp thông tin của doanh nghiệp chủ thể quyền có vai trò quan trọng trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đây là một trong nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn này. Lãnh đạo các doanh nghiệp - chủ thể quyền cần chủ động cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.

Ông Kim Kwan Mook, Tổng Giám đốc Tổ chức KOTRA cho biết: Hàng giả lưu thông trên thị trường gây tổn thất lớn đối với doanh nghiệp Hàn Quốc và cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng về an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam.

Với sự hợp tác chặt chẽ của hai nước, những năm qua, nhiều sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Hàn Quốc đã và đang được phân phối tại thị trường Việt Nam và được nhiều người tiêu dùng Việt lựa chọn. Tuy nhiên, đi cùng sự phát triển của thị trường, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao thì cũng xuất hiện việc hàng hóa bị làm giả, làm nhái với hình thức ngày càng tinh vi, khó phân biệt. Đặc biệt, gần đây, khi thương mại điện tử phát triển, việc phân phối hàng giả lại càng trở nên rộng rãi, phổ biến.

“Các cơ quan chức năng của hai nước cần hợp tác chặt chẽ hơn trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...”, ông Kim Kwan Mook nhấn mạnh.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Nguyễn Thanh Bình thì: Đấu tranh phòng chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng và sự tham gia tích cực của toàn xã hội.

Thời gian qua, các lực lượng thực thi đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả và gian lận thương mại, qua đó, bước đầu đã thu được nhiều kết quả khả quan và Quản lý thị trường đang trở thành lực lượng quan trọng trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường nội địa.

Tuy vậy, dù đạt được một số kết quả quan trọng nhưng công tác chống hàng giả vẫn còn nhiều khó khăn, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Trong nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như phương thức thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng phức tạp, tinh vi; cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ; hạn chế về nguồn lực; nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao... thì sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi còn nhiều hạn chế.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Ông Nguyễn Thanh Bình cũng chỉ rõ nguyên nhân của nạn hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ và nhấn mạnh, chỉ có doanh nghiệp mới biết rõ nhất về sản phẩm do mình sản xuất phân phối trên thị trường. Vì vậy, việc phối hợp cung cấp cấp thông tin của doanh nghiệp chủ thể quyền cho cơ quan chức năng có vai trò quan trọng trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tại Hội thảo, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Quan hệ hợp tác hai nước phát triển nhanh đã đặt ra nhiều thách thức trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Vai trò tiên quyết, quan trọng trong công tác này là chính là từ phía các doanh nghiệp chủ thể quyền. Các doanh nghiệp phải kịp thời xây dựng những biện pháp, kế hoạch ngăn chặn các sản phẩm bị làm giả, sau đó mới là sự phối hợp của các cơ quan chức năng hai nước.

Cục Sở hữu trí tuệ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng và doanh nghiệp các nước nói chung đang có hàng hóa phân phối tại thị trường Việt Nam trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ doanh nghiệp và người dùng…

Nguyễn Kiên