Doanh nghiệp trốn đóng BHXH còn diễn biến phức tạp - Hình 1

ĐBQH Trần Thị Hằng phát biểu tại phiên họp

Đó là một trong những nội dung quan trọng được Hội nghị Trung ương 7 khóa XII cho ý kiến, là đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). ĐBQH Trần Thị Hằng phân tích, đánh giá các giải pháp nhằm thúc đẩy chính sách BHXH, đảm bảo an sinh xã hội.

Trong những năm qua, người sử dụng lao động (NSDLĐ) đã thực hiện ngày càng tốt hơn trách nhiệm của mình trong lĩnh vực BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); trong đó có trách nhiệm đóng quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Điều này trước hết thể hiện ở số NLĐ được tham gia BHXH, BHYT, BHTN ngày một gia tăng, cùng với đó là số thu quỹ tương ứng có xu hướng tăng đáng kể.

Trên phạm vi toàn quốc, tính đến hết 31/12/2017 tổng số người tham gia BHXH đạt 13,9 triệu người (trong đó BHXH bắt buộc là 13,6 triệu) tăng hơn 2,3 lần so với thời điểm luật BHXH có hiệu lực (1/1/2017).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đáng khích lệ, việc thực hiện trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ của NSDLĐ cũng tồn tại một số hạn chế. Đáng nói là tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động.

Tính đến 31/12/2017, số nợ BHXH bắt buộc phải tính lãi là 5.737 tỷ đồng, chiếm 2,9% so với số phải thu. Số nợ BHXH bắt buộc vẫn tập trung nhiều ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước (6,3%) và doanh nghiệp ngoài quốc doanh (6,02%). Trong đó, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng nợ cao nhất với số tiền nợ là 3.712 tỷ đồng (65% tổng số nợ).

Việc đảm bảo quyền lợi về BHXH cho người lao động, là yếu tố quan trọng quyết định sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động là thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm, thể hiện mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.

Bên cạnh đó, từ 1/1/2018, quy định về xử lý hình sự đối với tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động tại Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành. Đây cũng là một chế tài mạnh để doanh nghiệp chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT.

Để xử lý triệt để tình trạng này, doanh nghiệp cần kịp thời báo tăng, giảm số lao động, tiền lương tham gia BHXH, BHYT của người lao động cho cơ quan BHXH khi có biến động; làm thủ tục chốt sổ, trả sổ BHXH cho người lao động kịp thời khi chấm dứt HĐLĐ.

Khi tiếp nhận hồ sơ hưởng chế độ từ người lao động cần thẩm định chặt chẽ, lập hồ sơ giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động đảm bảo đầy đủ nội dung, đúng thời gian quy định để cơ quan BHXH giải quyết kịp thời cho người lao động.

Cùng với hoàn thiện quy định để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về trách nhiệm của NSDLĐ, trong việc đóng góp quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Các cơ quan chức năng cũng như cá nhân, tổ chức có liên quan cần thực hiện nhiều biện pháp như, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của NSDLĐ, hiểu biết pháp luật của NLĐ; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; nâng cao vai trò của công đoàn trong việc giám sát, phối hợp thực hiện với NSDLĐ các trách nhiệm trong BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị sử dụng lao động, đặc biệt đối với các đơn vị sử dụng có các hành vi vi phạm kéo dài.

Nếu thực hiện được một cách đồng bộ và hiệu quả các giải pháp trên, trách nhiệm của NSDLĐ trong việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT sẽ được nâng cao, qua đó đảm bảo tốt hơn quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ, góp phần nâng cao chất lượng an sinh xã hội.

Thanh Bình