Đó là nội dung chính tại “Diễn đàn đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” do Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp phối hợp với các bên liên quan tổ chức chiều ngày 7/8 tại Hà Nội.
PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã chỉ ra: "Hiện nay đóng góp của vốn và vốn con người có xu hướng gia tăng. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và đóng góp của lao động vào tăng trưởng GDP có xu hướng giảm theo thời gian. Do đó, đầu tư vẫn là nhân tố chủ yếu dẫn dắt tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi vốn con người hơn là tích lũy yếu tố đầu vào lao động.
Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng vẫn dựa vào lao động giá rẻ, tồn tại nền kinh tế nhị nguyên (nước ngoài và trong nước), lan tỏa của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế, nhất là năng lực công nghệ. Đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng còn ít. Chưa cải thiện nhiều về năng suất lao động 2016 - 2020 tăng bình quân 5,8%/năm, 2011 - 2015 tăng 4,3%, vẫn chậm…
Ngoài ra, mô hình tăng trưởng chưa xanh, chưa đóng góp nhiều cho phát triển bền vững (ví dụ năng lượng tái tạo, ô nhiễm môi trường (đặc biệt rác thải nhựa), phát thải khí nhà kính…). Tăng trưởng xanh hầu như chưa thực hiện được bao nhiêu. Kinh tế tuần hoàn còn mới manh nha, chưa phát triển. Kinh tế biển xanh còn đang ở dạng tiềm năng là chính…
Để đổi mới mô hình tăng trưởng, PGS.TS Bùi Quang Tuấn đề xuất một loạt giải pháp như: Đột phá ở khâu khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng và gắn kết với đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra năng suất lao động cao hơn, đi nhanh, đi thông minh; Tìm cách tiếp cận hệ sinh thái xanh, hệ sinh thái số, đổi mới sáng tạo; Tạo ra mối liên kết chủ thể trong hệ sinh thái đảm bảo các điều kiện của hệ sinh thái. Hoàn thiện thể chế, chính sách, có thí điểm, đặc thù, đột phá; Sáng tạo trong huy động nguồn lực, đặc biệt ngoài nhà nước...
Cùng với đó, đầu tư cho kết cấu hạ tầng trong đó có hạ tầng số, nền tảng số, ứng dụng số như AI, blockchain… để tạo ra những sản phẩm số thương hiệu của Việt Nam. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cho khoa học công nghệ và R&D ở các doanh nghiệp, trang trại; Chia sẻ và kết nối cơ sở dữ liệu và tài nguyên số, ứng dụng trong quản trị, điều hành; Liên kết vùng, liên kết chuỗi, cụm ngành.
Ông Phạm Anh Cường, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Hệ sinh thái Khởi nghiệp BestB đã có những phát biểu về vai trò của khởi nghiệp sáng tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đánh giá về thực trạng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo ông Phạm Anh Cường, tỷ lệ doanh nghiệp mới gia nhập thị trường ở Việt Nam cao hơn hầu hết các quốc gia OECD. Tuy nhiên, những năm gần đây tỷ lệ này có phần chững lại nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại được lại tăng lên.
Chính vì vậy, các vườn ươm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo giúp doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ trong việc hoàn thiện ý tưởng, dịch vụ, mô hình kinh doanh và hỗ trợ kết nối đầu tư.
Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ, năm 2012, Quốc hội thông qua chương trình tái cấu trúc bao gồm 3 lĩnh vực đầu tư công, tín dụng, tài chính ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước. Sau đó bắt nhịp cuộc cách mạng đổi mới sáng tạo, startup, khởi nghiệp. Tuy nhiên bức tranh tổng thể mô hình tăng trưởng của chúng ta vẫn vậy, chưa có sự đột phá. Vì sao như vậy?
Theo ông Thành, nhìn câu chuyện của Vinamilk, FPT.. có rất nhiều đổi mới sáng tạo, sáng kiến bắt đầu từ chính cuộc sống. Sáng kiến hay nhất là Khu công nghiệp sinh thái. Đây là mô hình khá thành công, thu hút các nhà đầu tư. Chưa cần đến các cơ quan chức năng hoàn chỉnh thể chế thì doanh nghiệp đã bắt đầu với mô hình này và đến nay có sự thành công nhất định.
Thu Trang(t/h)