Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

“Đôi tay vàng” của một người khuyết tật

THCL- LTS:Thực hiện quy trình xét tặng danh hiệu "Công dâ

THCL LTS:Thực hiện quy trình xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" và "Anh hùng Lao động" năm 2014 của TP. Hà Nội, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố đã thông qua danh sách đề nghị các cấp xét, tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2015 cho 10 cá nhân.

Thương hiệu & Công luận đăng bài viết về nghệ nhân Nguyễn Văn Trung – một trong 10 nhân vật trong danh sách đề nghị các cấp xét, tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2015.

Từ lâu, xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) đã có nghề mây tre đan nổi tiếng, được cả nước biết đến. Qua thời gian, Phú Nghĩa đã tạo nên những thợ giỏi, những nghệ nhân có đôi bàn tay vàng. Trong số đó, có nghệ nhân Nguyễn Văn Trung - một người không may tật nguyền từ nhỏ.

Sau mấy chục năm lăn lộn, vất vả, giờ đây, ông đang ngày đêm nỗ lực với mong muốn truyền nghề cho lớp trẻ để nó không bị mai một theo thời gian…

Đam mê cháy bỏng

Tôi tìm đến gia đìnhnghệ nhân Nguyễn Văn Trung ở làng Phú Vinh (Phú Nghĩa, Chương Mỹ) - người “đã tìm ra một cách thật đặc biệt để thể hiện tình cảm của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Qua câu chuyện được biết, năm 1975, đất nước thống nhất, non sông ca khúc khải hoàn “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Hòa chung niềm vui đó, ông Nguyễn Văn Trung đã nhen nhóm ý tưởng - sẽ tạo nên chân dung Bác Hồ bằng sản phẩm văn hóa mây tre truyền thống của làng nghề Phú Vinh nức tiếng. Sau bao đêm miệt mài suy nghĩ, sau chuỗi ngày tìm tòi sáng tạo, từ các kiểu đan truyền thống của làng nghề, bằng đôi bàn tay khéo léo và bộ óc sáng, ông Trung đã đan thành công - tạo ra sản phẩm thể hiện được hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu.

“Dẫu cơ hội phát triển theo hướng đa dạng sản phẩm đang đà thuận lợi, nhưng tôi lại có niềm đam mê và sở thích riêng đó là dành thời gian, tâm huyết đan chân dung Hồ Chủ tịch từ nguyên liệu mây, tre”, ông Trung trải lòng.

Chính bởi xuất phát từ khát vọng, niềm đam mê cháy bỏng đó “đã ngấm vào suy nghĩ, máu thịt và trở thành bản chất từ ngày đầu bước chân vào nghề” mà tới nay, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung đã đan được trên 200 bức chân dung Bác Hồ từ chất liệu mây, tre, giang. Trong số đó, có bức chân dung đặc biệt, kích cỡ lớn nhất (1,6 x 2,1 m), được đưa đi triển lãm tại nhiều nơi, cả trong và ngoài nước. Đã có không ít người ngỏ ý muốn mua những bức chân dung Bác Hồ được đan bằng mây, tre, giang, nhưng ông dứt khoát không bán.

Thắc mắc chuyện này, ông Trung bộc bạch: “Làm nghề phải có cái tâm, giữ lại thì còn nghề, bán đi là mất hết”.

Tôi đã có những chuyến công tác về nhiều làng nghề có truyền thống nổi tiếng và lâu đời như thêu ren Xuân Nẻo (Tứ Kỳ, Hải Dương), khảm trai Chuôn Ngọ (Chương Mỹ, Hà Nội), tạc tượng Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội), sơn mài Phù Lao (Tiên Sơn, Bắc Ninh), chạm bạc Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình)… Có thể nói, tại bất cứ làng nghề nào, trên nhiều sản phẩm cũng đều phác họa chân dung các lãnh tụ, trong đó hình ảnh Bác Hồ đã được các họa sỹ - nghệ nhân thể hiện nhiều nhất. Nhưng thể hiện chân dung Bác Hồ bằng đan mây, tre, giang thì mới chỉ có ở làng nghề Phú Vinh (Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội) và có thể khẳng định: nghệ nhân Nguyễn Văn Trung là người thành công nhất.

“Bắt duyên” với nghề

Nhìn những bức ảnh Bác Hồ được đan tỉ mỉ và tinh tế, ai cũng phải trầm trồ trước sự khéo léo, tài hoa của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung. Nhưng hẳn nhiều người sẽ còn thán phục hơn nữa, nếu biết được câu chuyện ông đã chiến thắng số phận như thế nào.

Năm 16 tuổi, ông Nguyễn Văn Trung không may bị viêm xương. Căn bệnh nghiệt ngã khiến ông phải nằm liệt trên giường bệnh, trong khi chân phải bị co rút hơn 10 cm. Và chính căn bệnh quái ác đã đốt cháy niềm đam mê, hoài bão tuổi trẻ trong ông… Từ đó, ông luôn mang trong mình sự mặc cảm “ăn bám gia đình, ỷ lại cộng đồng”…

Một thời gian dài tuyệt vọng, như người mất thần, nhưng rồi ông cũng đã lấy lại được thăng bằng - tìm lại được niềm tin trong cuộc sống bằng nỗi khát khao chiến thắng số phận. Sau những đêm trăn trở, ông đã đi đến quyết định “bắt duyên” với nghề truyền thống của làng. “Nếu không chết được thì phải sống đàng hoàng. Tập lê, tập đứng rồi tập đi… đủ cả, biết bao ngày dòng dã. Sau cùng, tôi đã tìm đến nghề mây, tre đan, với suy nghĩ “sẽ rèn luyện cho đôi bàn tay thật khéo léo để bù đắp cho đôi chân tật nguyền”, ông thổ lộ.

Tuy nhiên, với ông, con đường đến với nghề không phải bằng cách “ăn xổi ở thì” mà trải qua những quá trình nhào nặn, tìm tòi, học hỏi dần dần. Ông thường xuyên tham gia các hoạt động, các lớp dạy nghề của hợp tác xã nhằm tìm ra những nét mới trong nghề. Sau bao lần nghiên cứu, thử nghiệm, cuối cùng thì ông đã sáng tạo ra những sản phẩm mang tính độc đáo, mới lạ.

Mày mò, vật lộn với nghề như vậy, thế nhưng, công việc đâu đã “xuôi chèo, mát mái”, đâu phải lúc nào cũng thuận theo lòng người? “Ngồi tỉ mẩn cả ngày mới đan được 1 cái túi. Công phu lắm, thế mà chỉ sai một chi tiết rất nhỏ trong cách sắp xếp, bài trí màu sắc, lại phải mất thêm bao công sức tháo ra đan lại từ đầu”, ông Trung trầm ngâm nhớ lại.

Rồi những tháng ngày đó cũng qua đi, sản phẩm của ông Trung làm ra bắt đầu gây được sự chú ý của người dân trong làng và các địa phương khác. Ông bắt đầu bán được hàng và niềm vui cũng vì thế được nhân lên. Từ chỗ, chỉ làm tự phát đến khi mở xưởng sản xuất nhỏ và tới năm 1993, khi có số vốn kha khá trong tay, ông đã đứng ra thành lập công ty tư nhân chuyên về mây tre đan để thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Rạo rực tiếng đàn…

Trước đây, sản phẩm mây tre đan truyền thống chủ yếu để phục vụ đời sống mà ít được chú ý đến tính mỹ nghệ. Với những kiến thức đã học được tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, ông Trung nhận ra tiềm năng sáng tạo mỹ thuật rất dồi dào, phong phú từ chất liệu mây tre.

Dưới bàn tay sáng tạo của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, hàng loạt sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây tre đan đầy tính nghệ thuật đã ra đời. Ông Trung luôn đau đáu một ước mơ: “Làm sao để ngày càng có nhiều bạn bè trên thế giới biết đến sản phẩm mây tre đan Việt Nam”.

Bản thân ông, đã mang sản phẩm của mình đến 15 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp cả Á - Âu - Phi - Mỹ. Tại nhiều nước, vì khả năng tài chính hạn hẹp, không có tiền thuê bến bãi, gian hàng để làm kho chứa và bày bán, ông Trung đã tự sáng tạo ra cách chào hàng khá đặc biệt.

“Nói về nhạc lý thì tôi không thành thạo, nhưng mà tôi cũng rất thích văn nghệ. Hầu hết các chuyến đi nước ngoài, khi mà mình mang theo nhạc cụ (cây sáo trúc, cây đàn bầu), thì tôi lại có dịp biểu diễn những bản nhạc dân tộc mang hồn quê hương. Khách nước ngoài nhiều người rất thích, người khác thì tò mò… Khi đến xem, nghe nhạc, họ “khoái” và mua luôn các sảm phẩm của mình”, ông Trung tâm sự.

Giờ đây, sản phẩm của ông Trung đã có mặt tại nhiều gian hàng triển lãm trong nước và quốc tế như Pháp, Nga, Anh, Thuỵ Điển, Nhật Bản... Sản phẩm đan bằng mây, tre, giang cũng ngày một phong phú, đa dạng: từ những chiếc túi xách, giỏ đựng hoa quả, hộp đồ dùng cá nhân đến những thứ sang trọng hơn (chân dung lãnh tụ, những người nổi tiếng…). Hàng năm, nguồn thu của ông từ việc bán các sản phẩm mây, tre đan đem lại lợi nhuận không nhỏ.

Không phải chỉ có chuyện ông Trung gảy đàn bầu bên xứ người. Trong cuộc sống thường nhật, trong các hoạt động của mình, tại các hoạt động vui chơi cộng đồng, ông thường đem “khúc nhạc” của mình ra nhằm tạo thêm nguồn hưng phấn cho nhiều người và cho chính ông. Hình ảnh người đàn ông nhỏ bé say sưa thổi sáo hay gảy đàn bầu giữa bao la mây trời sóng nước thật đẹp. Không chỉ đẹp ở những giọt âm thanh thánh thót mà hơn thế, nó còn mang vẻ đẹp của một nghị lực phi thường đáng khâm phục. Chính câu chuyện về cuộc đời và sự tài hoa của ông, đã làm nên một giai điệu thật tuyệt diệu từ mây và tre.

Chút tâm cho đời

Bản thân là một người khuyết tật, được gia đình, xã hội, cộng đồng chở che, động viên, giúp đỡ kịp thời nên ông Trung luôn đau đáu một nỗi niềm: “Phải làm một điều gì đó để giúp địa phương, xã hội, giúp mọi người có cuộc sống tốt hơn. Và điều quan trọng hơn nữa là làm sao bảo tồn được nghề mây, tre đan truyền thống của quê hương, để nó không bị mai một.

Xuất phát từ suy nghĩ đó, năm 2007, ông Trung đã xúc tiến và quyết định thành lập Trung tâm Dạy nghề tư thục mây tre đan Phú Vinh - một trung tâm dạy nghề nhân đạo. Ông bảo, mở trường, lớp học để ông có nhiều cơ hội truyền nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương. Đối tượng đến học nghề tại Trung tâm, chủ yếu là những cháu tật nguyền, lao động học nghề và những lao động dôi dư, có hoàn cảnh khó khăn ở trong làng, ngoài xã.

“Đối với những học viên là người khuyết tật, lao động nhỏ tuổi học nghề, có hoàn cảnh khó khăn, tôi nhận đào tạo miễn phí. Nếu cháu nào có nguyện vọng ở lại làm việc, tôi luôn sẵn sàng tiếp nhận. Vì bản thân tôi cũng là người khuyết tật nên rất cảm thông với những người có số phận không may mắn”, ông Trung bộc bạch.

Không dừng lại ở đó, ông còn lập chương trình, kế hoạch tiếp nhận và dạy nghề cho rất nhiều cháu có hoàn cảnh khó khăn đến từ Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên...

Được một người quen giới thiệu, anh Đặng Huy Thông, quê Phú Thọ, có đứa cháu ruột bị tật nguyền, đã xuống gửi gắm cháu vào trường, nhờ thầy Trung cưu mang. Anh Thông tâm sự: "Gửi con cháu vào học tại Trung tâm của bác Trung, ra trường chúng có nghề, lại được giáo dục đến nơi đến chốn, chúng tôi thấy yên tâm và vô cùng biết ơn”…

Nghị lực vươn lên, tấm lòng và sự sẻ chia với cộng đồng của ông Nguyễn Văn Trung khiến mọi người nể phục, kính trọng. Người trong làng, ngoài huyện, trên thành phố hay các tỉnh khác, biết tiếng ông Trung dạy nghề miễn phí thì họ cũng tìm cách liên hệ cho bằng được để gửi gắm con em mình vào học.

Ông Trung say sưa kể về những chuyến đi vất vả, gian nan vào tận Thanh Hóa thăm các cháu nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội với mục đích đưa một số cháu ra ngoài này học nghề, tạo việc làm.

Ông Trung giãi bày:“Có những trường hợp, các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, rất đỗi thương tâm. Tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh ấy, tôi không thể không cảm thông và tìm mọi cách giúp đỡ”…

Những lớp học tại Trung tâm Tư thục mây tre đan Phú Vinh của ông Trung đều được trang bị bằng tiền túi bỏ ra, không mảy may vụ lợi vì mục đích kinh tế. Ông dạy nghề miễn phí cho các cháu, chỉ mong sao chúng có cái nghề để kiếm sống, bớt đi gánh nặng gia đình.

Được biết, có những chuyến đi thăm và đón các cháu ở tỉnh xa về học, đã phải tiêu tốn hàng chục triệu đồng, nhưng ông vẫn vui, vẫn thấy hạnh phúc vì nghĩ đã góp phần giúp ích cho xã hội. Trong nhà ông, giờ đây luôn đầy ắp tiếng cười…

Nhằm đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học tại trung tâm của mình, ông Trung đã đầu tư kinh phí và đề nghị với chính quyền xã Phú Nghĩa xin nhượng đất ở địa phương để xây dựng, mở rộng cơ sở dạy nghề mới. Từ cuối năm 2009, Trung tâm đã đi vào hoạt động.

Trung tâm Dạy nghề tư thục mây tre đan Phú Vinh - xuất phát từ mong mỏi lớn: truyền nghề cho thế hệ trẻ. Ông Trung đã mày mò và cho tới nay đã biên soạn hoàn chỉnh Giáo trình Nghề mây tre đan (đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt), ban hành phục vụ việc dạy nghề trong cả nước.

Ông cùng với các giáo viên thường xuyên tổ chức các buổi dạy nghề theo yêu cầu của nhiều địa phương. Ðã có hàng trăm lớp học với trên 5.000 học viên được Trung tâm đào tạo, trong đó có nhiều người khuyết tật. Theo ông, người khuyết tật tuy hơi chậm và khó truyền đạt, nhưng họ vẫn có thể làm ra sản phẩm nuôi sống bản thân và gia đình.

Hiện nay, doanh thu của Trung tâm đạt từ 350 - 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động. Hằng năm, ông trích từ 40 - 50 triệu đồng giúp đỡ người tàn tật, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn…

Từ đây, nghề truyền thống của quê hương sẽ được bảo tồn và phát huy; nguyện vọng của nghệ nhân Nguyễn văn Trung được hết thảy mọi người dân trong vùng đồng tình ủng hộ. Truyền thống gia đình, nghị lực bản thân, tâm nguyện cuộc đời đã giúp ông làm nên tất cả. Song với ông, vẫn mong muốn làm được nhiều điều hơn thế…

Tấm gương khuyết tật, vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi - tâm huyết và “níu giữ” nghề truyền thống của quê hương - hết lòng vì cộng đồng của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung là đáng khâm phục, trở thành một tấm gương sáng cho đời. Ông đã được các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể tặng nhiều bằng khen, giấy khen và những phần thưởng cao quý khác; được vinh danh là “Người có đôi bàn tay vàng”…

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung là một trong những người vinh dự được chọn để phục chế chiếc ghế mây của Bác Hồ những năm về trước. Đã có thâm niên mấy chục năm với nghề mây  tre đan, nhưng đối với ông, những bức tranh chân dung Bác Hồ đan bằng mây mới là tài sản lớn nhất của đời mình.

Một số thành tích:  5 lần được UBND thành phố tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" tiêu biểu; 3 lần được tặng bằng khen. Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam tặng Bằng khen năm 2010; đạt danh hiệu Nghệ nhân Hà Tây năm 2006; Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng Nghệ nhân làng nghề năm 2005. Năm 2003, công ty được Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm rồi Chủ tịch nước Trần Đức Lương về thăm; được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời gặp mặt, động viên và tặng quà lưu niệm ngày 20/11/2014…

Với chiếc sáo trúc và cây đàn bầu tự chế, một người đàn ông Việt Nam dáng thấp, nhỏ bé đi chiếc giày bên phải có đế cao tới 15 cm - đã từng rong ruổi khắp các đường phố của London (Anh), Paris (Pháp) hay Osaka (Nhật Bản), bán dạo đồ thủ công mỹ nghệ mây tre đan, mang đến trời xa những cung nhạc trầm bổng đậm hồn Việt…

Xuân Phong (Thương hiệu & Công luận)

Tin mới

Công đoàn ngành giao thông Hà Nội: Triển khai Tháng công nhân thiết thực, hiệu quả
Công đoàn ngành giao thông Hà Nội: Triển khai Tháng công nhân thiết thực, hiệu quả

Ngày 25/4, Công đoàn ngành giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội tổ chức phát động Tháng Công nhân - Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động 2024. Đáng chú ý, bên cạnh việc đảm bảo về quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động, nhân dịp này, Công đoàn ngành GTVT Hà Nội cũng tổ chức nhiều hoạt động hướng về đoàn viên, người lao động, trong đó quan tâm và triển khai mạnh công tác khám sức khỏe miễn phí cho người lao động ngành giao thông Thủ đô.

Ngành hàng không tăng chuyến phục vụ hành khách dịp lễ
Ngành hàng không tăng chuyến phục vụ hành khách dịp lễ

Bước vào kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 kéo dài đến 5 ngày, nhiều người sẽ lựa chọn đi du lịch. Tuy nhiên, không ít người lo ngại khi giá vé máy bay đã neo cao được một khoảng thời gian do tình trạng thiếu hụt tàu bay chung của ngành hàng không. Trước nhu cầu tăng cao dịp nghỉ lễ, các hãng hàng không đang tối ưu hóa đội tàu bay để xem xét bổ sung ngay tải cung ứng trên các đường bay và hạ nhiệt giá vé.

Bộ Công Thương đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá, đảm bảo an ninh lương thực trong nước
Bộ Công Thương đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá, đảm bảo an ninh lương thực trong nước

Sáng ngày 26/4, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I năm 2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới”.

Nhiều quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường dự kiến được ban hành
Nhiều quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường dự kiến được ban hành

Trong giai đoạn 2024 - 2026, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ ban hành nhiều quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải phương tiện ô tô; quy chuẩn về tiếng ồn...

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam

Sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn, nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Lạm phát của Mỹ gia tăng khiến giới đầu tư vội vàng bán cổ phiếu
Lạm phát của Mỹ gia tăng khiến giới đầu tư vội vàng bán cổ phiếu

Chứng khoán Mỹ lao dốc vào thứ Năm (25/4) khi hầu hết các cổ phiếu megacap suy yếu, ảnh hưởng bởi Meta Platforms, trong khi tâm lý thị trường ảm đạm hơn khi có dấu hiệu lạm phát dai dẳng làm giảm kỳ vọng Fed sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ.