Theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ hoàn thành 20 ngàn căn nhà ở xã hội. Trong giai đoạn này, tỉnh đã giới thiệu 39 dự án với diện tích 166 hécta có quy mô 25 ngàn căn hộ, có thể bố trí cho khoảng 100 ngàn người.

Theo Sở Xây dựng Đồng Nai, đến giữa tháng 10/2018, toàn tỉnh mới chỉ xây dựng được 2.700 căn nhà ở xã hội, trong khi kế hoạch đến năm 2020 phải hoàn thành trên 20.000 căn. Trong khi đó, toàn tỉnh hiện có 48 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 8 dự án đang xây dựng, 36 dự án đang trong giai đoạn lập hồ sơ quy hoạch hoặc trình duyệt chủ đầu tư, 4 dự án đã bị thu hồi.

Đồng Nai: Hơn 20.000 căn nhà ở xã hội khó cán đích vào năm 2020 - Hình 1

Ảnh minh họa

Nguyên nhân chậm triển khai hoặc dự án bị thu hồi là do doanh nghiệp thiếu vốn, không tiếp cận được vốn vay ưu đãi đối dành cho dự án nhà ở xã hội. Gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng hiện đã ngừng từ đầu năm 2017, trong khi gói hỗ trợ mới vay qua Ngân hàng Chính sách đến nay vẫn chưa được phân bổ vốn.

Đồng Nai là một trong những tỉnh có số lượng công nhân đông bậc nhất cả nước đang sinh sống và làm việc tại các khu công nghiệp. Ước tính, khoảng 80% trong số 1,2 triệu công nhân tại Đồng Nai có nhu cầu về nhà ở nhưng hiện khu vực này chỉ có khoảng 13.000 cơ sở lưu trú, đáp ứng khoảng gần 180.000 chỗ trọ.

Mục tiêu Đồng Nai đặt ra là xây dựng 17.815 căn nhà ở cho công nhân và các đối tượng xã hội khác; xây 2.185 căn phòng ký túc xá cho sinh viên. Tổng số vốn để xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội này là hơn 12.280 tỷ đồng.

Trong tổng vốn dự kiến để xây dựng nhà ở xã hội thì riêng nguồn vốn từ ngân sách là hơn 775 tỷ đồng. Nguồn vốn còn lại kêu gọi đầu tư trong các tổ chức, thành phần kinh tế theo hình thức đầu tư-chuyển giao (BT) với vốn đầu tư được thanh toán bằng quỹ đất.

Theo Bộ Xây dựng, quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội chỉ cho phép hoán đổi bằng tiền đối với phần diện tích 20% trong các dự án nhà ở thương mại có quy mô nhỏ hơn 10 ha.

Thực tế, quỹ đất 20% nhận bàn giao từ các dự án nhà ở thương mại còn nhiều điểm bất cập như hạ tầng xã hội còn thiếu, xa khu dân cư, xa nhà máy nên chưa phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.

Để triển khai có hiệu quả và đẩy nhanh công tác xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, bộ này đã kiến nghị Chính phủ cho phép tỉnh Đồng Nai được xử lý, hoán đổi thành tiền phần diện tích 20% đối với cả những dự án có diện tích trên 10 ha.

Ngoài ra, việc bán đấu giá quỹ đất 20% nhận bàn giao từ các dự án nhà ở thương mại có vị trí không phù hợp đối để xây nhà ở xã hội cũng được cho phép xem xét. Tiền thu được sẽ bổ sung vào quỹ phát triển nhà ở để đầu tư phát triển và quản lý nhà ở xã hội tại vị trí khác thuận lợi hơn.

Một số nhà đầu tư cho hay vừa qua, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư (các dự án BT) kể từ ngày 1/1/2018 nhằm chờ Nghị định mới của Chính phủ về nội dung trên. Việc này cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của một số dự án BT xây dựng nhà ở xã hội.

Các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có diện tích dưới 10ha xây dựng trên địa bàn phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội hoặc thu tiền từ 20% quỹ đất trên.

Tại các khu công nghiệp đang hình thành, công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.

Đối với những khu công nghiệp đã hình thành hoặc chưa sử dụng hết quỹ đất, trên cơ sở nhu cầu bức thiết về nhà ở cho công nhân, người lao động, cần phải điều chỉnh quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội.

Hải Đăng