Chiếm tới 1/20 tổng diện tích TP. HCM
Theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, nội dung đề xuất dự án phải bao gồm các nội dung sau: Sự phù hợp của dự án với quy hoạch, kế hoạch phát triển, dự kiến phương án tổng thể bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, dự kiến điều kiện thực hiện dự án khác (đối với dự án thực hiện theo loại hợp đồng BT), phân tích sơ bộ phương án tài chính dự án. Tuy nhiên, đề xuất dự án do Tập đoàn Tuần Châu – Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh chưa làm rõ một số nội dung.
Thứ nhất, về quy hoạch, cần làm rõ sự phù hợp của dự án với quy hoạch phát triển giao thông vận tải của TP. HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của TP. HCM.
Thứ hai, về vốn đầu tư nhà nước tham gia thực hiện dự án, nhà đầu tư đề xuất được phân bổ chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí xây lắp, tư vấn, dự phòng với tổng giá trị là 57.568 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí lãi vay của nhà đầu tư).
Tuy nhiên, cũng theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, vốn đầu tư nhà nước tham gia thực hiện dự án dưới dạng vốn hỗ trợ xây dựng công trình chỉ được sử dụng cho các dự án có hoạt động kinh doanh, thu phí từ người sử dụng nhưng khoản thu không đủ để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận, đồng thời là dự án do bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đề xuất hoặc dự án thuộc đối tượng sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Như vậy, nội dung đề xuất này của chủ đầu tư là không phù hợp với quy định hiện hành.
Vùng phát triển siêu dự án ven sông, Tập đoàn Tuần Châu đề xuất
Bên cạnh đó, trường hợp dự án dự kiến sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên, dự án cần được trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư công.
Đặt biệt, về quỹ đất để thực hiện dự án BT và dự án khác, nhà đầu tư đề xuất UBND TP. HCM bố trí quỹ đất có diện tích rất lớn khoảng 12.398 ha để thực hiện dự án (bao gồm quỹ đất để xây dựng công trình BT và thanh toán cho nhà đầu tư), tương đương khoảng 5% tổng diện tích TP. HCM. Vì vậy, cần xem xét lại việc bố trí các quỹ đất nêu trên trong bối cảnh nguồn lực đất đai hiện nay rất hạn chế.
Chứng minh năng lực và không chỉ định thầu
Do dự án có tổng mức đầu tư rất lớn và gồm nhiều hạng mục phức tạp (như kết hợp giữa cầu vượt, đại lộ), Bộ KH&ĐT đề nghị UBND TP. HCM lấy ý kiến của Bộ Xây dựng về tính chính xác, hợp lý của tổng mức đầu tư được đề xuất. Đồng thời, việc xác định giá trị quỹ đất đối ứng để thanh toán cho nhà đầu tư cần đảm bảo ngang giá với giá trị dự án BT.
Điều đáng nói, dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, Bộ KH&ĐT đề nghị nhà đầu tư cần chứng minh khả năng thu xếp vốn, nguồn vốn dự kiến huy động vào dự án, tiến độ huy động vốn cũng như sự sẵn sàng của các bên cho vay đối với dự án nhằm đảm bảo tính khả thi trong thực hiện dự án, đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn vay theo quy định pháp luật.
Cuối cùng, về lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư đề xuất được chỉ định thực hiện dự án theo quy định tại Luật Đấu thầu (chỉ định thầu do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn). Nhưng Bộ KH&ĐT cho biết trong văn bản, theo thông tin do Sở KH&ĐT TP. HCM cung cấp, dự án không thuộc các trường hợp nêu trên. Do đó, Bộ đề nghị tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định hiện hành, đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Hải Dương