Chủ đầu tư phấn đấu đến tháng 9/2024 có 20 ha đất sạch, có hạ tầng để cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại.
Chủ đầu tư phấn đấu đến tháng 9/2024 có 20 ha đất sạch, có hạ tầng để cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại.

Dự án Khu công nghiệp Sông Lô II có tổng diện tích quy hoạch 165,65 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, dự án KCN Sông Lô II do Công ty CP Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư. Với nỗ lực của các cấp chính quyền từ xã đến huyện, Ban Quản lý dự án và đầu tư xây dựng huyện Sông Lô trong công tác bồi thường, GPMB, đến nay, nhà đầu tư được bàn giao đất đợt 1, với tổng diện tích 152,76 ha.

Sau khi nhận bàn giao đất đợt 1, Công ty CP Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc đã huy động máy móc, nhân lực, tài chính để triển khai đồng bộ 5 gói thầu, gồm đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, nước thải, lắp dựng cột điện động lực, điện chiếu sáng… và san lấp mặt bằng. Sắp tới, Công ty sẽ xây dựng nhà máy xử lý nước thải giai đoạn I, công suất 3.000 m3/ngđ; bể chứa nước, trạm bơm phòng cháy, trụ sở văn phòng. Dự kiến đến tháng 9/2024, KCN Sông Lô II sẽ có 20 ha đất sạch, có hạ tầng để cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Ban Quản lý dự án KCN Sông Lô II cho biết: Với định hướng xây dựng KCN Sông Lô II trở thành KCN kiểu mẫu, hiện đại, đạt tiêu chuẩn, chủ đầu tư đã ứng dụng công nghệ tiên tiến để kiến tạo hệ sinh thái xanh, đáp ứng tiêu chuẩn cao của các nhà đầu tư. Thiết kế hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, vừa tích hợp không gian xanh, thân thiện với môi trường; có nhà máy xử lý nước thải sử dụng công nghệ hiện đại, hệ thống điện mặt trời giúp tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, hiện nay, việc thi công dự án gặp vướng mắc về nguồn vật liệu san lấp (đất, cát), định giá đất, GPMB và tái định cư… Nền đất tại khu vực dự án thấp nên cần 4 triệu m3 vật liệu để san lấp, trong khi nguồn đất đắp khan hiếm, giá cao, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công và chi phí xây dựng dự án. Đây là khó khăn lớn nhất của Công ty trong thời điểm hiện nay.

Công ty đã nhiều lần có văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất được thăm dò, khai thác đất làm vật liệu xây dựng san lấp mặt bằng dự án tại một số địa điểm. Sở TN&MT đã có Văn bản số 1438/STNMT-KSTNN&KTTV, ngày 27/5/2024 đề nghị các cơ quan rà soát các dự án đầu tư công sử dụng vật liệu đất san lấp và đề xuất khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với đất san lấp trên địa bàn tỉnh.

Chủ đầu tư đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Sở TN&MT hỗ trợ tìm kiếm nguồn vật liệu trên địa bàn tỉnh; làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ cho phép được sử dụng nguồn vật liệu dư thừa tại dự án Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng; sớm hoàn thiện các thủ tục để công ty được đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các vị trí cho phép trong thời gian sớm nhất.

Khó khăn lớn thứ hai là về định giá đất thuê đất tại dự án. Đến hiện tại, sau 1 năm giao đất và khởi công dự án vẫn chưa xác định được giá thuê đất. Việc chậm xác định giá thuê đất đã ảnh hưởng đến việc kê khai thuế và không đủ điều kiện cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất. Thời gian qua, đã có nhiều nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… quan tâm đến KCN Sông Lô II, nhưng do chưa có giá thuê đất nên nhà đầu tư chưa quyết định đầu tư vào dự án.

Khó khăn thứ ba là công tác bồi thường, GPMB phần diện tích còn lại, chủ yếu nằm ở khu vực vùng ven do vướng mắc trong đền bù, bố trí được khu tái định, nghĩa trang tập trung.

Ngoài ra, hệ thống điện chiếu sáng trên tuyến đường 307B chưa được đầu tư lắp đặt, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân, cũng như thu hút các nhà đầu tư vào tìm hiểu dự án. Công ty mong nhận được sự quan tâm tháo gỡ khó khăn để dự án triển khai đúng tiến độ.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sông Lô cho biết: Thời gian tới, Ban tiếp tục phối hợp với các phòng ban liên quan của huyện, xã triển khai đồng bộ các giải pháp để GPMB phần diện tích còn lại; tăng cường đối thoại với người dân, bảo đảm cao nhất quyền lợi của người dân và thượng tôn pháp luật; tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai, đền bù GPMB; cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh, khi KCN đi vào hoạt động.

Hà Trần (t/h)