Chống tái lấn chiếm

Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre), việc bố trí trong vốn đầu tư ngân sách trung hạn tốt hơn là việc lấy 15.000 tỷ đồng từ việc chi cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết 26. Việc bố trí 15.000 tỷ đó nên tập trung cho dự án quan trọng trước mắt, ví dụ có thể bổ sung cho việc xây dựng tuyến huyết mạch đồng bằng sông Cửu Long để giải phóng năng lực cũng như sản phẩm của vùng này mà lâu nay đã bị chậm trễ.

Dự án sân bay Long Thành: Tránh tình trạng “đầu chuột đuôi voi” - Hình 1

ĐB Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh: QH)

Về tái lấn chiếm đất đai đã được rất nhiều đại biểu thảo luận ở tổ, ĐB Nhưỡng cho rằng việc làm thế nào để chống tái lấn chiếm là vấn đề hết sức quan trọng.

“Từ khi có nghị quyết cho đến nay đã có rất nhiều hộ đã “nhảy dù” vào, và đã phải bồi thường tái định cư cho cả những hộ này. Tôi lo nhất khi thu hồi và sau đó họ lại tiếp tục tái lấn chiếm thì đấy mới ghê gớm và rất khó giải quyết. Tôi chắc chắn Tòa án của Long Thành sẽ không đủ năng lực để giải quyết các vụ kiện, bởi vì các vụ kiện này sẽ rất nhiều, sẽ giải quyết nhiều lần. Tôi đề nghị bổ sung vào điểm đ một đoạn cuối là "xử lý nghiêm các hành vi vi phạm lợi dụng chính sách để trục lợi, lấn chiếm đất đai đã được thu hồi"”, ĐB Nhưỡng nêu ý kiến.

ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cũng lưu ý đến vấn đề tái lấn chiếm đất đã thu hồi. Ngoài ra, khi đưa vào khai thác và sử dụng thì nên ưu tiên cho các hộ dân, các doanh nghiệp đã nhận tiền thu hồi đất, đã nhận tiền đền bù nhưng muốn thuê lại mặt bằng để khai thác thì trong thời gian thuê lại ở đây có thể từ 5 năm đến 10 năm, tiền đó được thu lại để đưa vào trong dự án làm giảm khoản chi đầu tư xây dựng.

Giám sát chặt khâu thực thi

Bên cạnh việc điều chỉnh theo những đóng góp ý kiến để cho bảo đảm tính khả thi của dự án này cao, ĐB Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh đến những yếu tố để giám sát.

Theo vị đại biểu này, thời gian qua, đã có quá nhiều những dự án lớn mà không phải là đầu voi đuôi chuột mà là đầu chuột đuôi voi. Tức là đưa ra thì rất đơn giản, rất nhẹ nhàng nhưng cuối cùng thì dự án phình ra ghê gớm và tạo ra bức xúc của người dân, tạo ra nợ công.

Dự án sân bay Long Thành: Tránh tình trạng “đầu chuột đuôi voi” - Hình 2

ĐB Dương Trung Quốc. (Ảnh: QH)

Chúng tôi mong muốn, bên cạnh việc tiếp thu những vấn đề hết sức cụ thể về mặt kỹ thuật, về mặt triển khai, về mặt kinh tế, cần có sự giám sát thật chặt chẽ để mang lại niềm tin cho người dân và làm cho dự án không chỉ phát huy mà còn xây dựng được một công trình mới trong quá trình phát triển.

Có thể nói, không biết có phải đúng lần đầu tiên chúng ta tách một dự án ra, tôi cho đây là thử nghiệm hết sức quan trọng. Vì sau này sẽ còn nhiều dự án lớn nữa, nếu bài học của câu chuyện Long Thành thành công tốt, nó sẽ là tiền đề thuận lợi để giải quyết những công trình sau này. Vì vậy, chúng tôi rất mong rằng kỳ họp này sẽ thông qua được nghị quyết. Còn trong quá trình triển khai sẽ tiếp tục điều chỉnh”, ĐB Quốc bày tỏ.

Còn ĐB Ngân nhấn mạnh, việc Quốc hội chính thức giao UBND tỉnh Đồng Nai được khai thác và sử dụng quỹ đất đã được thu hồi này là cần thiết. Tuy nhiên, các cơ quan, hệ thống chính trị, các Hội đồng nhân dân, Quốc hội phải tăng cường khâu giám sát này và kể cả chủ đầu tư Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải phải đảm bảo sự liên lạc thường xuyên, giám sát thường xuyên để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công của công trình.

“Nhân đây tôi rất mong Bộ Giao thông Vận tải lưu ý đến việc kết nối vào cụm cảng hàng không, kết cấu hạ tầng đồng bộ và những đường như từ bến Lức - Long Thành hoặc những đoạn đường cao tốc liên quan đến kết nối vào sân bay cần được ưu tiên để khi khai phá xây dựng xong cụm Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đồng bộ”, ĐB Ngân nói.

Phát biểu giải trình trước Quốc hội sáng 13/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay, đây là dự án trọng điểm quốc gia, khi thực hiện phải hết sức thận trọng. Sau khi Quốc hội có ý kiến, Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông cùng với các bộ, ngành sẽ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai rà soát từng phần việc và tổ chức cách thực hiện công khai, minh bạch. Đồng thời, xem xét những vấn đề nào thuộc thẩm quyền thì tổ chức thực hiện, việc vượt thẩm quyền thì sẽ báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội.

T.Nguyên