Trò chuyện cùng tôi, họ đã kể lại những trải nghiệm thú vị về cái Tết nơi phố núi mộng mơ mà nhiều người trong số họ hết sức ngạc nhiên vì là lần đầu tiên biết Tết.

Ông Karl - kiến trúc sư đến từ Đan Mạch cùng gia đình dạo phố Đà Lạt ngày mùng 7 Tết
Ông Karl - kiến trúc sư đến từ Đan Mạch cùng gia đình dạo phố Đà Lạt ngày mùng 7 Tết

Tản bộ quanh bờ hồ Xuân Hương, tôi gặp anh Kevin D. Arrowood (sinh viên đến từ New York, Mỹ) khi anh đang chăm chú thưởng thức một chương trình âm nhạc đường phố.

Về chuyến đi của mình, Kevin chia sẻ:

“Tôi ghé thăm Việt Nam hoàn toàn không có bất kỳ kế hoạch rõ ràng nào. Đơn giản, tôi chỉ lên một danh sách gồm tên những địa danh phải đến, và cứ thế lên đường. Như một đứa trẻ lần đầu tiên xa nhà, tôi mong muốn có được những trải nghiệm bất ngờ nhất. Thật may mắn khi mong ước của tôi đã hoàn toàn trọn vẹn.

Tôi đã ở Đà Lạt được hơn năm ngày và thực sự đã có những “lần đầu tiên” mà tôi hằng mong muốn. Tôi sẽ rất nhớ ngày hôm ấy, có thể gọi là trải nghiệm bất ngờ nhất của tôi trong chuyến đi này”. 

Cái “ngày hôm ấy” mà Kevin vừa nói chính là ngày 30 Tết.

Anh kể tiếp:

“Tôi thức dậy muộn hơn mọi ngày và mang một chiếc bụng đói bước xuống đường. Và tôi đã rất sốc khi thấy phố xá trở nên vắng vẻ lạ thường; gần như mọi hàng quán đều đóng cửa. Tôi đã rất lo lắng cất bước đi tìm một chỗ có gì đó để ăn, nhưng không có quán hàng nào mở cửa.

Hy vọng ai đó sẽ cho tôi một lời giải thích. Sau cùng, sự hoang mang của tôi đã được giải toả, một cô gái người địa phương đã cho tôi biết hôm ấy là ngày cuối cùng trong năm theo Âm lịch và người Việt Nam sẽ bắt đầu đón Tết - ngày lễ lớn nhất trong năm”. 

Kevin tiếp tục:

“Tôi nghĩ là đã được “cảnh báo” về ngày hôm ấy, nhưng tôi hoàn toàn không hề để ý. Mọi nơi tôi đến, các khu dân cư đều được trang trí bằng những vật dụng rất đặc trưng như một vài loại cây nhất định, những tấm vải, mảnh giấy đỏ sặc sỡ”. 

Chia sẻ thêm về trải nghiệm “ăn Tết” Đà Lạt, anh Kevin hào hứng nói:

“Ôi! Mọi nơi đều rất đẹp, ai ai cũng rất vui vẻ, đáng mến, mà đồ ăn lại rất ngon. Hy vọng, tôi sẽ có dịp trở lại đây một lần nữa để có thể trải nghiệm Tết Việt trọn vẹn hơn, với sự chuẩn bị chu đáo nhất…”.

Không giống với anh Kevin, gia đình ông Karl (kiến trúc sư, đến từ Đan Mạch) có cách tiếp cận Tết Việt ở Đà Lạt hoàn toàn khác. Ông Karl và gia đình đang trên hành trình thăm thú và trải nghiệm thiên nhiên, cuộc sống và văn hóa Việt Nam. Thông qua trao đổi, ông cho biết, hiện gia đình ông vẫn đang dừng chân tại Đà Lạt và chưa có dự định rời đi sớm.

“Chúng tôi luôn mong muốn được hiểu biết thêm về thế giới này. Thông qua những chuyến đi, chúng tôi sẽ học được nhiều điều về con người cũng như văn hóa của mỗi địa phương”, ông Karl chia sẻ.

Trả lời câu hỏi về những trải nghiệm tại Đà Lạt và Việt Nam, ông không giấu cảm xúc:

“Con người Việt Nam rất dễ mến! Nhưng theo quan sát cũng như cảm nhận của tôi, Đà Lạt rất khác so với những nơi chúng tôi từng đến. Tôi cảm nhận được sự “chậm” trong nếp sống, nếp sinh hoạt nơi đây. Cách mọi người nói chuyện hay sinh hoạt đều rất thư thái, từ tốn. Điều này, tạo cho chúng tôi một cảm giác rất dễ chịu. Chúng tôi thực sự đã được tận hưởng bầu không khí thân thiện nơi này!”. 

Về ngày Tết cổ truyền Việt Nam, ông Karl chia sẻ:

“Tôi đã có tìm hiều về sự kiện này. Theo tôi được biết, đây là một ngày lễ rất quan trọng đối với người dân các bạn khi mọi người sẽ cùng nhau chúc mừng năm mới (theo Âm lịch) và có những hoạt động rất thiêng liêng và thú vị. Tại khách sạn chúng tôi ở, mọi người đã cùng nhau tổ chức ăn mừng, họ trao cho chúng tôi những lời chúc và một phong bì đỏ, được gọi là “lì xì”.

Không chỉ vậy, chúng tôi còn được mời ăn những món ăn truyền thống, rất lạ và rất ngon. Theo tôi được biết, những món ấy chỉ được làm trong dịp Tết. Bầu không khí rất vui vẻ, ấm áp. Tôi rất mãn nguyện khi đến thăm Việt Nam và nhất là thành phố Đà Lạt của các bạn vào đúng thời điểm tuyệt vời này!”.

Là người từng có những trải nghiệm Tết Âm lịch ở quê hương mình, anh Kim (đến từ Hàn Quốc) đã có những chia sẻ về ngày Tết Việt Nam. Theo anh Kim, ngày Tết của Việt Nam và Hàn Quốc có những điểm tương đồng, đây là dịp mọi người chúc mừng nhau khi một năm kết thúc và chào đón một năm Âm lịch mới đến.

Anh chia sẻ:

“Ở quê hương tôi, mọi người sẽ mặc Hanbok và ăn những món ăn truyền thống. Mọi hoạt động đều khá giống so với những gì tôi quan sát ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, kỳ nghỉ Tết thường chỉ kéo dài 3 ngày và có rất nhiều người lựa chọn tiếp tục làm việc tại những thành phố lớn, thay vì trở về quê và nghỉ ngơi cùng gia đình”. 

Về chuyến hành trình ghé thăm Việt Nam, anh Kim nói:

“Tôi có nhiều người bạn đã đến Việt Nam. Sau khi được nghe những câu chuyện của họ, tôi không thể kìm nén được sự háo hức, lập tức sắp xếp và lên kế hoạch để đến đây ngay khi có thể. Vì vậy, nhân kỳ nghỉ Xuân, tôi đã thực hiện chuyến đi này. Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đang rất hài lòng khi có những trải nghiệm rất tốt ở Việt Nam, đặc biệt là những ngày đến với Đà Lạt…”.

Ngày Tết đối với mọi người dân Việt Nam - là dịp để ôn lại những nét đẹp quý báu, của truyền thống, đạo lý dân tộc. Mọi người đều mong đến Tết để trở về bên cha mẹ, gia đình; mọi đứa trẻ đều mong đợi những chuyến du xuân hay những món quà ý nghĩa. Tuy rất quen thuộc, nhưng ai cũng nôn nao tâm trạng “đợi Tết về”.

Đối với những du khách nước ngoài, những người còn “xa lạ” với văn hóa Tết Việt, họ đã có được những trải nghiệm đặc biệt, khó quên trong chuyến trải nghiệm đầu xuân. Từ đó, mỗi người trong họ sẽ khắc sâu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam bằng một cụm từ gần gũi mà giàu ý nghĩa: “Ăn Tết”!

T. Hương (Nguồn: https://baolamdong.vn/)