Công dụng một đằng, quảng cáo một nẻo
Thực tế, hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang cố tình “bỏ qua” quy định của pháp luật về việc quảng cáo sản phẩm, thậm chí dù biết có nhiều các trang website, đại chỉ fanpage facebook… đang quảng cáo không đúng theo công dụng sản phẩm mà mình đang sản xuất, phân phối nhưng các doanh nghiệp này vẫn lờ như không biết nhằm mục đích bán được nhiều hàng nhất, phát triển được nhiều hệ thống đại lý nhất. Trong số đó, không thể không nhắc đến thương hiệu Dược mỹ phẩm Thanh Mộc Hương – đơn vị đang phân phối hàng chục mặt hàng sản phẩm khác nhau từ mỹ phẩm cho tới các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Ghi nhận của PV Thương hiệu & Công luận cho thấy, chỉ cần tìm kiếm từ khóa có tên “thanh mộc hương” trên công cụ tìm kiếm Google thì người dùng sẽ nhận được kết quả trả về hàng chục trang website và địa chỉ facebook đang quảng bá, mời chào các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng mang thương hiệu Thanh Mộc Hương.
Cụ thể, https://thanhmochuonght.com/, https://thanhmochuong.vn/, https://thanhmochuongvietnam.com/ , https://thanhmochuonghv.com/ , https://dongythanhmochuong.com/, https://thanhmochuongtm.com/ , https://www.facebook.com/giameotanmothanhmochuong, …
Điểm chung trên các trang website này là đều đăng tải hàng trăm bài viết giới thiệu về các sản phẩm của thương hiệu Dược mỹ phẩm Thanh Mộc Hương như: Sữa tắm Organic Mộc Hương Garden, Dung dịch vệ sinh Organic Mộc Hương garden, Kem bôi da Thuần mộc, Tắm trẻ em mẹ Tấm, Dung dịch xịt mụi, họng VA-DR Hương, Kem chống nắng Optimus, Dạ dày Hồng Khôi, Cai thuốc lá Thuần Mộc Thanh Mộc Hương, Cao lá Thần Mộc, Cam ngâm xông trĩ thảo mộc Thanh Mộc Hương, Cao uống xương khớp Thuần Mộc Thanh Mộc Hương, Combo Dầu gội, xả Thanh Mộc Hương, Dầu gội chấy chí chị Tấm Thanh Mộc Hương, Dầu xả Thảo dược Thanh Mộc Hương, Diệp Tố Như Thanh Mộc Hương, Dung dịch nhỏ tai Thuần Mộc Thanh Mộc Hương, Điều kinh Thanh Mộc Hương Tố Như, Hôi chân Thanh Mộc Hương, Hôi nách Thanh Mộc Hương….
Tuy nhiên, điều đáng nói là phần lớn sản phẩm trong số này được quảng cáo không đúng như công dụng mà sản phẩm đã được cơ quan chức năng cấp phép, nhiều sản phẩm sử dụng những từ ngữ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh.
Điển hình kể đến sản phẩm Kem bôi da Thuần mộc Thanh Mộc Hương, các đơn vị phân phối quảng cáo là sản phẩm: “Dành cho người mắc viêm da cơ địa (vảy nến, á sừng, tổ đỉa, chàm…), hắc lào, lang ben, nấm đầu, nấm móng, trẻ bị chàm sữa, rôm sẩy, hăm da, côn trùng đốt”.
Đáng chú ý sản phẩm này “nổ” có khả năng “Xoá tan nỗi ám ảnh viêm da cơ địa mùa hành khô”, hay như “Kem bôi da Thuần Mộc đánh bay viêm da, hắc lào, nấm, ngứa”, “Khắc tinh cho mọi vấn đề trên da của bé”. Điều này khiến cho nhiều người mắc bệnh về da hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh về da.
Ngoài việc quảng cáo mỹ phẩm có những công dụng như thuốc thì Dược mỹ phẩm Thanh Mộc Hương cũng Thanh Mộc Hương đã “vẽ” thêm một số công dụng của sản phẩm Thuần Mộc Super Kids Thanh Mộc Hương nhằm tăng độ hấp dẫn của sản phẩm với người tiêu dùng.
Cụ thể, sản phẩm Thực phẩm chức năng như Thuần Mộc Super Kids - một loại thực phẩm chức năng dùng cho đối tượng là trẻ nhỏ cũng được quảng cáo có các thành phần nhập khẩu từ Nhật, Pháp, Đức, có công dụng: ăn ngon, ngủ sâu, ít giật mình tỉnh giác, hạn chế ra mồ hôi trộm, nâng cao sức đề kháng, hạn chế ốm vặt, hạn chế viêm đường hô hấp, thanh lọc đường ruột, hạn chế táo bón, đi ngoài, tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng.
Trong khi đó, công dụng của sản phẩm này thì thì công dụng của sản phẩm Thuần Mộc Super Kids được cơ quan chức năng cấp phép chỉ là Bổ sung acid amin, vitamin và thymomodulin cho cơ thể, hỗ trợ giúp ăn ngon, nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ hạn chế nguy cơ viêm đường hô hấp.
Theo Hiệp định mỹ phẩm ASEAN về quản lý mỹ phẩm, một quy định được áp dụng tại Việt Nam trong quy chế quản lý mỹ phẩm thì công dụng “đặc trị” hay “điều trị” không được coi là công dụng của mỹ phẩm và bị cấm trong hoạt động quảng cáo mỹ phẩm.
Bên cạnh đó, theo nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo có nêu rõ: Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh.
Theo quy định tại thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế thì: “Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và cơ quan sinh dục ngoài) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt”.
Phụ lục số 03-MP của Thông tư 06/2011/TT-BYT cũng nêu rõ: “Sản phẩm mỹ phẩm không được thể hiện như một sản phẩm để chữa bệnh hoặc phòng bệnh cho người”.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có hướng dẫn rằng: “Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong việc công bố tính năng cũng như đặt tên sản phẩm mỹ phẩm.
“Vô tư” sử dụng hình ảnh y, bác sĩ quảng cáo sản phẩm
Ngoài việc quảng cáo bằng ngôn từ để “thổi phồng” công dụng của sản phẩm, gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, Thanh Mộc Hương còn sử dụng rất nhiều lời chia sẻ, cảm ơn từ người sử dụng và đặc biệt là hình ảnh của các chuyên gia, bác sĩ, dược sĩ.
Trên kênh youtube có tên Thanh Mộc Hương TV là hăng trăm video đăng tải lời chia sẻ, cảm ơn từ người sử dụng, của người nổi tiếng như diễn viên Phương Oanh và đặc biệt là hình ảnh của các chuyên gia, bác sĩ, dược sĩ.
Trong khi đó, theo Điều 6 của Thông tư Số 09/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế thì nội dung quảng cáo phải theo đúng quy định tại Điều 4 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP, cụ thể: Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế khác và tính năng, công dụng của sản phẩm phải phù hợp với bản chất của sản phẩm mỹ phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật.
Do đó, có thể nhận thấy việc đơn vị phân phối các sản phẩm mang thương hiệu Thanh Mộc Hương đang sử dụng hình ảnh các bác sĩ, cùng với đó là sử dụng nhiều từ ngữ gây hiểu lầm về công dụng của sản phẩm là không phù hợp với quy định về quảng cáo mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.
Trước thực trạng trên, thiết nghĩ các cơ quan quản lý như Cục ATTP, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần sớm có biện pháp kiểm tra và xử lý kịp thời nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Trang Anh