Thương hiệu & Công luận nhận được phản ánh của bạn đọc liên quan tới việc các sản phẩm của Nhà thuốc Đông y Thanh Mộc Hương đang không tuân thủ các quy định của luật pháp về quảng cáo. Theo đó, các sản phẩm của Nhà thuốc Đông y Thanh Mộc Hương (Thanh Mộc Hương) được quảng cáo tràn lan trên các website với những lời giới thiệu đầy “thần kỳ”.
Theo ghi nhận của PV, trên website https://thanhmochuongvietnam.com/, hiện tại đang quảng cáo 34 sản phẩm với các bệnh lý liên quan từ da liễu, viêm xoang, đến xương khớp, thuốc xoa bóp... Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý, hầu hết các sản phẩm này đều được Thanh Mộc Hương quảng cáo với công dụng là "đặc trị các bệnh".
Sản phẩm của Thanh Mộc Hương quảng cáo trên trang thanhmochuongvietnam.com
Đơn cử, khi nói về sản phẩm kem bôi da Thuần Mộc, được Thanh Mộc Hương khẳng định với 100% thành phần thảo dược quý hiếm từ tự nhiên bằng công thức bí truyền đã chữa khỏi bệnh ngoài da cho hàng nghìn người từ Bắc vào Nam…; đồng thời, có tác dụng đặc trị các bệnh ngoài da như lang ben, mẩn ngứa, nước ăn chân tay, các loại nấm da, hắc lào, rôm sảy, côn trùng đốt… dùng được cho cả trẻ nhỏ.
Kem bôi da Thanh Mộc Hương được quảng cáo với nhiều công dụng như thuốc chữa bệnh
Và để chiếm lấy lòng tin khách hàng, website https://thanhmochuongvietnam.com/ còn đưa ra hàng loạt bằng công nhận, giấy chứng nhận, chứng thư thẩm định để làm minh chứng. Đặc biệt, cũng trên website này, còn sử dụng hình ảnh người bệnh để quảng cáo chất lượng của sản phẩm.
Chứng thư thẩm định Đại lý Thanh Mộc Hương đạt top 100 thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng
Phiếu kết quả kiểm nghiệm do Viện Kiểm nghiệm an toàn về sinh quốc gia cấp cho mẫu “Thảo mộc Thanh Mộc Hương”, ngày 26/12/2017 số 26489/PKN-VKNQG
Ngoài ra, sản phẩm nước súc miệng Thanh Mộc Hương cũng được giới thiệu trị sâu răng, hôi miệng, chảy máu chân răng, ê buốt răng… với sự kết hợp tuyệt với của nhiều loại dược liệu quý mà hiếm có sản phẩm nào trên thị trường có được. Đặc biệt, trên website https://thanhmochuongvietnam.com/, nhà thuốc còn lưu ý: Thuốc dùng an toàn cho trẻ em trên 10 tuổi, dưới 10 tuổi cần chat qua zalo để được tư vấn.
Trong vai khách hàng, PV đã liên hệ đến số điện thoại được ghi trên trang website nêu trên để tìm hiểu cụ thể, chi tiết về hướng dẫn cách dùng sản phẩm nước súc miệng Thanh Mộc Hương đối với trẻ em dưới 10 tuổi như thế nào?
Trao đổi qua điện thoại, một nhân viên tư vấn chỉ tư vấn một cách sơ sài “dùng bông thoa đều lên răng bé" và sau đó chuyển ngay sang tư vấn sản phẩm nước súc miệng dành riêng cho trẻ em. Đồng thời, nhân viên này còn khẳng định: Chắc chắn sẽ khỏi bệnh, hiện sản phẩm đang bán rất chạy, đã nhiều người dùng đã khỏi rồi.
Sản phẩm nước súc miệng Thanh Mộc Hương được nhân viên tư vấn cho biết đã nhiều người khỏi sau khi sử dụng
Không chỉ vậy, trên trang website này luôn luôn khẳng định, Thanh Mộc Hương là "Thuốc Nam người Dao, chất lượng tốt nhất – giá tốt nhất, 100% là thảo mộc, vô cùng hiệu quả mà lại an toàn không hề có ảnh hưởng hay phản ứng phụ nào với người dùng”.
Cùng với đó là hàng loạt bằng công nhận, giấy chứng nhận mang tên “Hợp tác xã thuốc nam gia truyền dân tộc Dao” có địa chỉ thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì (Hà Nội), chủ sơ sở là bà Lăng Thị Châm được đưa ra để minh chứng, chiếm lấy lòng tin khách hàng.
Giấy chứng nhận đăng ký HTX của Thanh Mộc Hương được phòng Tài chính – kế hoạch UBND huyện Ba Vì cấp
Dư luận đặt câu hỏi: Với cách bán hàng bán hàng, tư vấn qua điện thoại, zalo… liệu những sản phẩm của Thanh Mộc Hương đã đủ điều kiện để được lưu hành theo đúng quy định của pháp luật?
Trong số 34 sản phẩm đang được Thanh Mộc Hương quảng cáo rầm rộ, thì có bao nhiêu sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn?
Các cơ quan chức năng đang ở đâu, khi để tràn lan sai phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng Internet? Trách nhiệm đó thuộc về tổ chức, cá nhân nào?...
Điều 126 Nghị định 54/2017/NĐ-CP, quy định về các thông tin, hình ảnh không được dùng trong quảng cáo thuốc, những từ “Điều trị, đặc trị”… bị cấm sử dụng khi quảng cáo.
Điều 68 Nghị định 158/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP còn quy định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
+ Lợi dụng hình thức thầy thuốc hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc bằng các bài viết trên báo, các chương trình phát thanh, truyền hình để quảng cáo thuốc.
+ Quảng cáo thuốc sử dụng một trong các thông tin, hình ảnh sau: Hình ảnh người bệnh; Sơ đồ tác dụng của thuốc mà chưa được nghiên cứu, đánh giá; Hình ảnh, tên của thầy thuốc để giới thiệu thuốc. Không phủ nhận vai trò của thực phẩm chức năng trong việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe con người hiện nay. Tuy nhiên những quảng cáo bị thổi phồng công dụng khiến không ít người dùng phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này.
Duy Minh