Cách đây 65 năm, vào ngày 19/5/1959, thực hiện Nghị quyết 15 của Đảng về nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”- Đoàn 559 có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn đã được thành lập với nhiệm vụ triển khai các lực lượng công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không để đảm bảo hoạt động của tuyến đường. Ngày Đoàn chính thức nhận nhiệm vụ cũng là kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 69 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do đó Đoàn công tác quân sự đặc biệt được lấy tên là Đoàn 559 và sau này con đường được đồng bào cả nước và quốc tế gọi với cái tên đường mòn Hồ Chí Minh.

Với hơn 20.000km đường bộ xuyên từ Bắc đến Nam vươn tới khắp các mặt trận, cả tuyến mở tất cả 5 đường dọc và 21 đường ngang, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu tượng kỳ tích đi vào huyền thoại của dân tộc Việt Nam. Trên tuyến đường này, hơn 1 triệu tấn hàng hóa và vũ khí đã được lưu thông, gần 29 triệu mét khối đất đá đã được đào đắp.

Đây là một minh chứng về quy mô và tầm quan trọng của đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong việc cung cấp hỗ trợ chi viện cho tiền tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ngoài ra, nó còn là biểu tượng cho sự sáng tạo, quyết tâm và đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã từng phải thừa nhận: “Đường mòn Hồ Chí Minh đã trở thành trận đồ bát quái trong rừng rậm”.

Từ những con đường mòn nhỏ, đường Hồ Chí Minh đã phát triển thành tuyến vận tải lớn để vận chuyển quân lương, vũ khí chi viện cho chiến trường lớn miền Nam. (Ảnh:TTXVN)
Từ những con đường mòn nhỏ, đường Hồ Chí Minh đã phát triển thành tuyến vận tải lớn để vận chuyển quân lương, vũ khí chi viện cho chiến trường lớn miền Nam. (Ảnh:TTXVN)

Để có thể kịp thời chi viện, vận chuyển đạn dược, vũ khí chi viện cho tiền tuyến, những người chiến sĩ Trường Sơn đã phải vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ. Ở những đoạn đường men vách núi hiểm trở bị bom của quân đội Mỹ đánh phá đứt, khi đi vào ban đêm, ngoài sự nguy hiểm về sức chịu đựng của ván gỗ và cọc gỗ được dựng tạm để di chuyển, các chiến sĩ lái xe Trường Sơn còn gặp phải vấn đề, đó chính là không có cọc tiêu dẫn đường. Chỉ cần chệch một vài centimét là cả người và xe đều có thể lao xuống vực. Đoạn đường không có chút ánh sáng nào, hơn nữa máy bay của địch bay lượn trên đầu.

Trước những khó khăn đó, những chiến sĩ thanh niên xung phong đã nghĩ ra cách là khoác nỉ lông trắng (lấy từ đèn dù do máy bay vận tải quân sự C-130 thả) đứng ven những tấm ván để làm “cọc tiêu sống”. Ban đêm, nhìn thấy những vệt trắng lờ mờ thì lái xe biết rằng đó là giới hạn giữa cái sống và cái chết, giữa thoát hiểm và lao xuống vực. Từ đó, đã xuất hiện một danh từ chưa từng có trong lịch sử giao thông thế giới là “cọc tiêu sống”.

Xe vượt ngầm Ta Lê lúc bình minh: Những
Xe vượt ngầm Ta Lê lúc bình minh: Những "cọc tiêu sống” trên mặt nước (Ảnh tư liệu)

Trong cuốn hồi ký tập thể “Trường Sơn - có một thời như thế”, tác giả Nguyễn Công Tứ đã viết: “Xe chúng tôi qua được độ hai phần ba ngầm thì lại một tiếng bom nổ. Những cột nước dựng lên cao rồi đổ xuống, té cả lên xe. Lại thêm một đồng chí công binh - một cọc tiêu sống ngã xuống, lập tức được đưa lên bờ và có đồng chí khác đứng thay ngay vào vị trí”.

Hình ảnh những người thanh niên xung phong làm “cọc tiêu sống” cho xe qua ngầm, qua suối, qua các cung đường trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn là hình tượng Anh hùng cách mạng, sẵn sàng hy sinh, cống hiến vì sự nghiệp giải phóng nước nhà.

“Mấy năm rồi chạy trên tuyến Trường Sơn

Có đêm nào như đêm nay nhớ mãi

Những cọc tiêu là những cô em gái

Thanh thản đứng bên đường trọng điểm xe lên”

(Cái điểm sáng ấy - Trần Nhật Thu).

Bức ảnh “Đường ra tiền phương” của nhà báo, nhiếp ảnh gia Đinh Quang Thành nói về câu chuyện của liệt sĩ Nguyễn Thị Phúc hy sinh khi làm nhiệm vụ “cọc tiêu sống” trên đường Trường Sơn.
Bức ảnh “Đường ra tiền phương” của nhà báo, nhiếp ảnh gia Đinh Quang Thành nói về câu chuyện của liệt sĩ Nguyễn Thị Phúc hy sinh khi làm nhiệm vụ “cọc tiêu sống” trên đường Trường Sơn.

Hệ thống đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh thực sự là chiến trường vô cùng gian khổ và khốc liệt. Quân đội Mỹ và đồng minh đã thực hiện bằng mọi cách cắt đứt con đường vận tải chiến lược nhằm ngăn sự nỗ lực của miền Bắc chi viện cho quân giải phóng miền Nam. Nhưng bằng sự mưu trí, sáng tạo mọi hành động, âm mưu của quân đội Mỹ đều khó có thể thực hiện được.

Trong bài viết trên báo Le Figaro (Pháp) của học giả Giắc-cơ Rơ-ma đã khẳng định: “Điều làm cho người ta buồn phiền là đường mòn Hồ Chí Minh không thể phá hủy được… Nước Mỹ đã chi tiêu hàng tỷ đô la để hòng bóp nghẹt đường mòn Hồ Chí Minh. Nó vẫn tồn tại. Nó là con rắn trăm đầu luôn mọc lại. Không phải là những cái đầu mà chính là những cánh tay của con rắn này luôn mọc lại vì không thể bị chặt đứt cùng một lúc”.

Vượt qua muôn vàn gian khổ, các chiến sĩ lái xe Trường Sơn đưa hàng và người ra tiền tuyến. (Ảnh tư liệu)
Vượt qua muôn vàn gian khổ, các chiến sĩ lái xe Trường Sơn đưa hàng và người ra tiền tuyến. (Ảnh tư liệu)

Trong những năm tháng lịch sử, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã trở thành một hệ thống đường chiến lược cơ giới, gồm ba tuyến liên hoàn, đảm bảo vận chuyển suốt bốn mùa, kể cả mùa mưa và là một minh chứng cho sự sáng tạo, sự đoàn kết những nỗ lực phi thường của dân tộc Việt Nam.

Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Jacques C. Despuech từng nhận định: “Toàn bộ con đường mòn Hồ Chí Minh mà người ta nói hôm nay là tổng kết của hàng thế kỷ đấu tranh và áp bức, cho nên con đường ấy có sức sống mãnh liệt vì nó là tượng trưng cho sức chiến đấu của cả một dân tộc”.

Theo vov.vn