Tại cuộc họp giữa các Bộ trưởng Năng lượng EU ở Brussels, một số đại biểu tham dự đã phàn nàn, đề xuất trần giá khí đốt được Ủy ban Châu Âu công bố chỉ hai ngày trước đó, rõ ràng được thiết kế để không bao giờ được sử dụng.

Cuộc họp của Hội đồng năng lượng đặc biệt của EU dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Jozef Sikela. Ảnh Echo24
Cuộc họp của Hội đồng năng lượng đặc biệt của EU dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Jozef Sikela. Ảnh Echo24.

Hy Lạp, Ba Lan, Malta và Bỉ nằm trong số các quốc gia bác bỏ đề xuất hạn chế giá khí đốt ở mức 275 Euro mỗi megawatt giờ (MWh). Các nước này cho rằng, đề xuất này là một "trò đùa" và không thể chấp nhận được vì giá đề xuất cao hơn nhiều so với thị trường vào thời điểm hiện tại.

Trong khi đại biểu của Ba Lan thông tin, giá đề xuất quá cao so với thị trường. Còn, đại biểu của Bỉ đánh giá các điều kiện của văn bản là không thỏa đáng. Thậm chí đại diện của Malta cho rằng, các điều kiện nghiêm ngặt để cơ chế này hoạt động khiến nó gần như là không thể. Theo đại diện của Hy Lạp, mức trần chỉ nên giao động ở 150-200 Euro mỗi MWh.

Chỉ có đại diện duy nhất của Estonia cho rằng, kế hoạch này là hợp lý và nó có thể được coi là một biện pháp tạm thời để giải quyết tình trạng tăng giá quá mức chứ không phải là một giải pháp lâu dài.

Bộ trưởng Công nghiệp Séc Jozef Sikela, nước đang giữ chức Chủ tịch hiện tại của EU cho biết, các Bộ trưởng đã cố gắng áp dụng một số biện pháp quan trọng khác, bao gồm cả việc mua khí đốt chung để tránh cạnh tranh trong nội bộ EU làm tăng giá, đoàn kết cung cấp trong những thời điểm cần thiết và cấp phép nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc đạt được một thỏa thuận vào thời điểm hiện nay là rất  khó.

Tham gia trực tiếp tại cuộc họp Ủy viên năng lượng EU Kadri Simson thừa nhận, đang tồn tại sự chia rẽ về giá trần giữa các thành viên. Bà lưu ý rằng, các Bộ trưởng có quyền hiệu chỉnh các thông số khác nhau nếu họ muốn điều gì đó có thể xảy ra kịp thời cho cuộc họp tiếp theo.

Dự kiến cuộc họp tiếp theo có thể sẽ được triệu tập vào ngày 13/12. Nếu được thông qua, kế hoạch trần giá sẽ bắt đầu vào tháng 01/2023. Nó sẽ có hiệu lực song song với một sáng kiến ​​tự nguyện dành cho các quốc gia thành viên EU nhằm cắt giảm 15% lượng khí đốt tự nhiên sử dụng trong mùa đông này.

Nho Biền/VOV-Praha