Ủy viên cạnh tranh EU Margrethe Vestager trong một tuyên bố cho biết: "Sau khi phân tích kỹ lưỡng dữ liệu âm nhạc và người dùng của Shazam, chúng tôi nhận thấy rằng việc họ mua lại của Apple sẽ không làm giảm tính cạnh tranh trong thị trường phát nhạc số trực tuyến,".
“Dữ liệu là chìa khóa trong nền kinh tế kỹ thuật số. Do đó, chúng tôi phải xem xét cẩn thận các giao dịch dẫn đến việc mua lại các bộ dữ liệu quan trọng, bao gồm cả các dữ liệu nhạy cảm về mặt thương mại," bà Vestager nói thêm.
Thương vụ trên được công bố vào tháng 12 năm ngoái. Việc mua lại Shazam sẽ giúp nhà sản xuất iPhone cạnh tranh tốt hơn với Spotify, hãng dịch vụ nghe nhạc trực tuyến đang dẫn đầu thế giới. Shazam xác định các bài hát trên điện thoại thông minh chỉ với nguồn âm thanh đầu vào.
Ủy ban châu Âu đã mở một cuộc điều tra toàn diện về thương vụ này vào tháng Tư.
Shazam sử dụng micrô trên smartphone hoặc máy tính để nhận diện hầu như mọi bản nhạc, bài hát đang phát ở gần, sau đó đề xuất cho người dùng nơi họ có thể nghe chúng, chẳng hạn như Apple Music hoặc Spotify. Thâu tóm ứng dụng này sẽ giúp Táo khuyết tích hợp khả năng này sâu hơn vào các dịch vụ âm nhạc của hãng. Trợ lý ảo Siri của Apple đã được tích hợp vào Shazam từ năm 2014, nên người dùng ứng dụng có thể hỏi nó về bản nhạc đang phát gần họ.
Giới quan sát nhận định, động thái mới của EU có thể vì liên minh lo ngại rằng, một khi Shazam nằm dưới sự kiểm soát của Apple, công ty có thể cài đặt mặc định Apple Music là tùy chọn duy nhất để lắng nghe các bản nhạc, bài hát. Việc đó có thể chuyển hướng một số gợi ý của Shazam khỏi Spotify, công ty cung cấp ứng dụng nhạc đóng đô ở London, Anh. Hơn thế nữa, vụ thâu tóm cũng có thể giúp Táo khuyết tiếp cận một cơ sở dữ liệu lớn hơn, hé lộ sở thích âm nhạc của đông đảo người dùng.
Đ.Hoàng