Cụ thể, ngày 23/7, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu Josep Borell đã ra yêu cầu chuyển cuộc họp quan trọng của các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng diễn ra từ 28-30/8 từ Budapest đến Brussels vì những quan điểm bất đồng trong việc hỗ trợ Ukraine của khối cũng như chuyến thăm của Thủ tướng Hungary tới Moscow vào đầu tháng này. 

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tại một cuộc họp báo ở Budapest - Ảnh: AFP/TTXVN
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tại một cuộc họp báo ở Budapest. Ảnh AFP/TTXVN.

Ông nhấn mạnh, các quốc gia trong khối có nghĩa vụ tuân thủ chính sách đối ngoại chung của EU đặc biệt là vấn đề liên quan tới chủ quyền. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU cũng nhắc lại lời chỉ trích về quyền phủ quyết của Hungary đối với viện trợ quân sự cho Ukraine, việc này cũng ngăn cản Brussels hoàn trả một phần hỗ trợ tài chính cho các quốc gia thành viên đối với các lô hàng thiết bị quân sự trị giá 7,2 tỷ USD dựa trên Cơ sở Hòa bình Châu Âu. Sự bế tắc này đã buộc các nước EU phải ký kết các thỏa thuận viện trợ quân sự trực tiếp với Kiev mà không có Brussels.

Trước đó, Hungary cũng chỉ trích về quyết định của Ukraine khi áp dụng lệnh trừng phạt ngăn chặn việc vận chuyển dầu đến Trung Âu của công ty Lukoil, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở Budapest.

Hiện tại, Hungary phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung từ Moscow cho 70% lượng dầu nhập khẩu của mình và Lukoil, công ty đầu tư nhân lớn nhất của Nga, chiếm tới một nửa số lượng đó. Đáp trả những chỉ trích của ông Josep Borell, Hungary tuyên bố sẽ không ủng hộ cho các sự hỗ trợ tài chính và chuyển giao vũ khí cho Ukraine trừ khi Kiev mở lại tuyến vận chuyển dầu của công ty Lukoil đến Trung Âu.

Cờ Liên minh châu Âu và quốc kỳ Hungary. Ảnh: KT
Cờ Liên minh châu Âu và quốc kỳ Hungary. Ảnh KT.

Đầu tháng này, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đến thăm Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow và cáo buộc EU có "chính sách ủng hộ chiến tranh", điều này cũng dẫn tới gia tăng những rạn nứt giữa các quốc gia trong khối đối với Hungary.

Các quan chức EU đã lên tiếng nhấn mạnh chức chủ tịch luân phiên của EU không đi kèm với bất kỳ nhiệm vụ nào là đại diện cho khối này trên trường quốc tế, động thái này cũng bị chỉ trích là thiếu trách nhiệm với vị trí chủ tịch luân phiên của EU và "làm suy yếu" lợi ích của khối.

Trước đó, Ủy ban Châu Âu (EC) thông báo giảm cấp độ tham gia các cuộc họp trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Hungary kéo dài trong 6 tháng cuối năm nay, nhằm phản ứng trước “sứ mệnh hòa bình” mà Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã khởi xướng. Các chuyến đi theo thông lệ của các quan chức cấp cao EU đến Hungary mở đầu cho nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên cũng sẽ bị hủy bỏ. Ngoài ra, các cuộc họp không không chính thức của Hội đồng châu Âu diễn ra tại Hungary sẽ chỉ có đại diện quan chức cấp cao tham dự.

Về phần mình, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho rằng, quyết định thay đổi địa điểm họp mà Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell vừa thông báo là “nóng vội”. Hungary đã chỉ trích cách phản ứng của khối này, cho rằng mục đích của nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên là cho tất cả các thành viên có cơ hội lãnh đạo và Ủy ban Châu Âu không thể lựa chọn các cơ quan và quốc gia thành viên mà họ muốn hợp tác.

PV (t/h)