Trong bài xã luận của mình trên tờ Newsweek (Mỹ) ngày 5/7, vào thời điểm công du đến Nga, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng, những bước leo thang ngày càng tăng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga, gây ra những hậu quả thảm khốc.
Mở đầu bài viết, ông Orban cho rằng: “NATO đang tiến gần đến một thời khắc quan trọng. Cần nhớ rằng liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử thế giới bắt đầu như một dự án hòa bình, và thành công trong tương lai của liên minh phụ thuộc vào khả năng duy trì hòa bình của liên minh.
Nhưng ngày nay, thay vì hòa bình, chương trình nghị sự là theo đuổi chiến tranh; thay vì phòng thủ, đó là tấn công. Tất cả những điều này trái ngược với các giá trị sáng lập của NATO. Kinh nghiệm lịch sử của Hungary cho thấy những chuyển đổi như vậy không bao giờ dẫn đến một hướng đi tốt. Nhiệm vụ ngày nay là duy trì liên minh như một dự án hòa bình”.
Đề cập những xu hướng mới nhất liên quan đến NATO, Thủ tướng Orban cho rằng NATO ngày nay đang xa rời mục đích ban đầu, thay vào đó theo đuổi chương trình nghị sự tập trung vào các bước đi gây leo thang căng thẳng. Ông cho rằng tiếp tục xu hướng này, NATO sẽ dần đi đến chỗ tự diệt vong. Ông lưu ý một số quốc gia thành viên gần đây đã cân nhắc khả năng triển khai một chiến dịch của NATO tại Ukraine.
Cuối tháng 2/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố không loại trừ khả năng triển khai quân đội Pháp tới Ukraine. Đến tháng Năm, Estonia và Lithuania đã gửi tín hiệu sẵn sàng gửi quân tới Ukraine để thực hiện các nhiệm vụ hậu cần và phi chiến đấu khác.
Hungary chính thức đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên Liên minh Châu Âu (EU) từ ngày 1/7 vừa qua và kéo dài cho đến hết năm 2024. Trên cương vị này, nước này đã đưa ra khẩu hiệu "Làm cho Châu Âu vĩ đại trở lại".
Ngày 5/7, Thủ tướng Orban đã có chuyến thăm bất ngờ tới Moscow và gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận các phương án tiềm năng để giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine. Thủ tướng Orban đánh giá lập trường của Moscow và Kiev vẫn còn "rất khác biệt", song khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực tiếp xúc với các bên để giải quyết xung đột thông qua biện pháp hòa bình.
Thủ tướng Hungary, được coi là có mối quan hệ nồng ấm nhất với Vladimir Putin trong số tất cả các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu, thường xuyên chặn, trì hoãn hoặc làm giảm bớt các nỗ lực của EU nhằm hỗ trợ Kiev và áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow. Ông đã tranh luận từ lâu về việc chấm dứt các hành động thù địch ở Ukraine.
Thái độ đó đã khiến các đồng minh EU và NATO của Hungary thất vọng vì họ coi hành động của Nga là vi phạm luật pháp quốc tế và là mối đe dọa đối với an ninh của các quốc gia Đông Âu.
Ông Orbán cho biết, ông đã nói với Tổng thống Putin rằng "Châu Âu cần hòa bình", đồng thời hỏi ông Putin về về các kế hoạch hòa bình hiện tại và liệu ông có tin rằng lệnh ngừng bắn có thể diễn ra trước bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng nào hay không.
Trong một tuyên bố sau cuộc họp, ông Putin đã nhắc lại yêu cầu trước đó rằng Ukraine phải rút quân khỏi bốn khu vực mà Nga tuyên bố đã sáp nhập vào năm 2022 như một điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình. Ukraine và các đồng minh phương Tây đã bác bỏ yêu cầu đó, cho rằng nó giống như yêu cầu Ukraine rút khỏi lãnh thổ Ukraine.
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về quan hệ song phương và ông Putin cho biết họ đã trao đổi quan điểm về tình hình hiện tại của quan hệ Nga-EU "hiện đang ở mức thấp nhất".
Chuyến thăm Moscow của Thủ tướng Orban diễn ra 3 ngày sau khi ông tới thủ đô Kiev của Ukraine và gặp gỡ Tổng thống Volodymyr Zelensky. Tại đây, ông khẳng định ủng hộ đàm phán và một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.
Theo Newsweek, RTbrasil