Buổi làm việc có sự tham gia của bà Đỗ Nguyệt Ánh - Tổng giám đốc; các ông trong Hội đồng thành viên; Ban Tổng giám đốc; Trưởng các Ban chuyên môn; Công ty Thí nghiệm điện miền Bắc và Công ty Điện lực Bắc Ninh.
Buổi làm việc về triển khai Đề án ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác sản xuất kinh doanh tại Tổng công ty
Hiện nay, Tổng công ty Điện lực miền Bắc là một trong những Tổng công ty phân phối lớn nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đứng trước những thay đổi không ngừng của khoa học và công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm nâng cao năng suất lao động, vận hành hệ thống điện an toàn hiệu quả, hiện đại là nhiệm vụ mà Tổng công ty đã đặt ra.
Việc bắt kịp cũng như hiện thực hóa được những lợi ích mà công nghệ 4.0 mang lại phụ thuộc rất nhiều vào một yếu tố trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó là làm sao có thể nhanh chóng đáp ứng những thay đổi từ thị trường, tối ưu chi phí sản xuất, tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận.
Một số nhiệm vụ quan trọng triển khai Đề án
Theo báo cáo của Thường trực Ban chỉ đạo Đề án, để đạt được các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh như mục tiêu của đề án đã đề ra cho giai đoạn sau năm 2020: Các chỉ tiêu: SAIDI, SAIFI, MAIFI, suất sự cố, chỉ số tiếp cận điện năng, chỉ số tổn thất lưới điện và các chỉ số khác sẽ tương đương với các Tổng công ty khác trong EVN và một số chỉ tiêu tiếp cận được với nước tiên tiến khác trong khu vực thì việc tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh là cần thiết, định hướng chung triển khai việc ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 trong thời gian tới như sau:
Tiếp tục bám sát các dự án của EVN đang triển khai để nghiên cứu, sớm ứng dụng các thành quả nghiên cứu của các đơn vị trong công tác SXKD của EVNNPC; Đẩy nhanh các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng; Ứng dụng rộng rãi các thành quả nghiên cứu tới toàn bộ các Đơn vị trong Tổng công ty; Tiếp tục tìm hiểu nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới của các nước trên thế giới trong công tác hoạt động SXKD.
Sau nghe báo cáo của Thường trực Ban chỉ đạo, một số ý kiến tại buổi làm việc cho rằng: Cần phải có những phân tích và đánh giá từng nhiệm vụ cụ thể và hướng đến con người cụ thể. Ứng dụng công nghệ để phục vụ ai? có giảm chi phí sản xuất?, và nâng cao năng suất lao động, hay làm tăng giá trị gia tăng cho giá trị sản phẩm? thay đổi cung cách quản trị? Bên cạnh đó cần phải có lộ trình, cụ thể hóa từng chương trình và kế hoạch cụ thể và triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.
Các ý kiến đã tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể như:
Đối với lĩnh vực quản lý vận hành, kỹ thuật lưới điện: tiếp tục triển khai mở rộng các dự án như: Tự động hóa lưới điện phân phối DSM cho các tỉnh, kết nối dữ liệu của Trung tâm điều khiển xa với hệ thống OMS.
Hoàn thành một số dự án đang thực hiện như Dự án bản đồ số GIS, UAV (đề nghị nâng cấp lên có thể quản lý và tự động nhận dạng sự cố trong quá trình kiểm tra), giám sát khí online MBA...
Cụ thể là năm 2020 cần tập trung và tăng cường hệ thống giám sát cho công tác kỹ thuật trong đó là các hoạt động giám sát đối với các thiết bị, trạm, máy biến áp, đường dây, nâng cao hiệu quả và ngăn ngừa sự cố.
Đối với công tác kinh doanh: Xác định mục tiêu đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của CMCN 4.0, trong thời gian tới lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng sẽ tiếp tục nghiên cứu, áp dụng CNTT để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và chất lượng dịch vụ khách hàng, cụ thể:
Nâng cấp tích hợp hệ thống thu tiền và xây dựng kho nợ dùng chung để nâng cao hiệu quả, tính ổn định của các hệ thống thanh toán tiền điện, đặc biệt là việc tổ chức triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; Tiếp tục bổ sung các hệ thống báo cáo phục vụ công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng sử dụng BI và mở rộng đối tượng khai thác sử dụng đến cấp CTĐL;
Xem xét thuê hệ thống đánh giá chất lượng CSKH qua file ghi âm để nâng cao chất lượng tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của khách hàng qua TTCSKH; Xây dựng hệ thống Chatbot CSKH tự động để tự động tiếp nhận, trả lời khách hàng qua web, mạng xã hội; Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hệ thống CNTT, phần mềm liên quan đến việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu về dịch vụ điện cho khách hàng theo phương thức điện tử, đồng thời phối hợp với EVNICT để nghiên cứu khai thác, xác thực thông tin của khách hàng qua cổng dịch vụ công quốc gia thay vì yêu cầu khách hàng cung cấp hồ sơ, giấy tờ như hiện nay;
Nâng cấp hệ thống Web CSKH theo công nghệ mới, đảm bảo hoạt động tin cậy, giao diện thu hút, cung cấp đầy đủ các dịch vụ đến khách hàng;Xây dựng hệ thống nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành SXKD và dịch vụ khách hàng; Một số lĩnh vực khác Tổng công ty cũng đang nghiên cứu và sẽ để xuất áp dụng trong thời gian tới như: Quản lý năng lượng hộ gia đình (HEM); Phần mềm đánh giá chất lượng cuộc gọi ICCRating, Công tơ AMI…
Trên đây có thể thấy công tác kinh doanh có rất nhiều các quy trình, chính vì vậy phải số hóa tất cả các quy trình trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng; Bên cạnh đó phải xây dựng một chương trình tổng thể cho các nội dung chi tiết để có được những định hướng trong việc lựa chọn tư vấn, lựa chọn đối tác và ra đề bài; Lựa chọn ra những cá nhân trong Tổng công ty đủ năng lực đáp ứng được những công việc được giao và thực hiện.
Để triển khai tốt việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì hai vấn đề cơ bản đó là cơ sở hạ tầng và các phần mềm ứng dụng. Trong đó việc chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng. Chính vì vậy việc đánh giá hiện trạng xác định hạ tầng hiện công nghệ viễn thông hiện nay, hệ thống truyền dẫn như thế nào? Những công nghệ này còn được ứng dụng trong thời gian tới như thế nào? Cũng như phải xây dựng được những chiến lược về công nghệ áp dụng cho thời gian tới. Nhiệm vụ chuyển đổi số phải được số hóa một cách tổng thể và bao trùm; những công việc số hóa phải phù hợp với thực tiễn và hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.
Cùng vào cuộc trong việc triển khai và ứng dụng công nghệ 4.0
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Đỗ Nguyệt Ánh Tổng giám đốc đã chỉ ra một số vấn đề cụ thể như: Cần nhìn nhận rõ việc triển khai công nghệ 4.0 hiện nay của Tổng công ty chưa ứng dụng nhiều đối với hoạt động sản xuất kinh doanh? Việc chuyển đổi số hiện nay chưa phát huy và khai thác hết nhiệm vụ và chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra.
Bà Ánh cho rằng: đề án lần này chính là cơ hội rất lớn để chúng ta lập ra một tổng thể về công nghệ số hóa. Để làm được nhiệm vụ này toàn Tổng công ty đặc biệt là người đứng đầu mỗi đơn vị phải làm việc thật sự nghiêm túc và thực hiện một cách bài bản; hiểu được những nhiệm vụ cần rà soát để tìm ra một quy trình chuẩn. Cũng như mỗi một ban phải chịu trách nhiệm và thống kê đầy đủ chi tiết các dữ liệu của ban mình nhằm chuẩn hóa các quy trình phục vụ số hóa. Dựa trên thực tế công việc và quan điểm chủ quan của mình sẽ đưa ra những cần cải tiến cụ thể cho mỗi nhiệm vụ được giao.
Từ đó ở mỗi đơn vị sẽ đưa ra những số cụ thể cho từng dung lượng? Mức độ để lưu trữ đầy đủ dữ liệu đó. Với mục đích vận hành an toàn và lưu trữ dữ liệu, cũng như phân kỳ các hạng mục cần đầu tư theo thời gian và tính chất cần thiết của việc số hóa. Tập trung đào tạo CBCNV để làm quen chuyển đổi số tại mỗi đơn vị.
Đây là công cuộc của cả Tổng công ty chính vì vậy việc tuyên truyền phổ biến đến tất cả CBCNV để làm sao mỗi một cá nhân trong một tập thể 27.000 người đều phải có trách nhiệm trong công cuộc ứng dụng công nghệ 4.0, bà Ánh nhấn mạnh.
Kết luận buổi làm việc Chủ tịch Hội đồng thành viên Thiều Kim Quỳnh đánh giá cao những ý kiến phát biểu và cho đây là nhiệm vụ rất quan trọng đối với sự phát triển của Tổng công ty trong thời gian tới và những năm tiếp theo, đặc biệt trong các lĩnh vực: vận hành, quản trị, kinh doanh dịch vụ khách hàng.
Trên tinh thần đó ông Quỳnh yêu cầu trước khi báo cáo Tập đoàn phải kiểm tra lại tất cả những nhiệm vụ cụ thể cũng như bám sát những quy trình, kế hoạch và chiến lược và bám sát những công nghệ tiên tiến nhất của Tập đoàn; Tập trung xây dựng chiến lược và phát huy nguồn nhân để triển khai nhiệm vụ; Đảm bảo những hệ thống được ứng dụng phải là những công nghệ được đón đầu; Đối với những thiết bị đầu tư phải là những thiết bị có công nghệ cao và đáp ứng được những nhiệm vụ đã đề ra.
Việt Hạnh