Tổng giám đốc Đỗ Nguyệt Ánh chủ trì cuộc họp về công tác số hóa trong Tổng công tyTổng giám đốc Đỗ Nguyệt Ánh chủ trì cuộc họp về công tác số hóa trong Tổng công ty

Những bước đi đầu trong việc số hóa ở EVNNPC

Trước những đòi hỏi của kỷ nguyên số, thời gian qua, EVNNPC đã chú trọng đầu tư công nghệ mới, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong mọi mặt của hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo Báo cáo của Ban Viễn thông và công nghệ thông tin, việc số hóa đã lôi cuốn sự vào cuộc của hầu hết các Ban trong Tổng công ty. Cụ thể như với công tác văn phòng đã thực hiện quản lý công việc, công văn, lịch tuần, thông báo... và ký số trên phần mềm eoffice 3.0 và phần mềm giám sát công việc, toàn bộ dữ liệu được lưu tại thiết bị lưu trữ; Các công tác kế toán, vật tư, tài sản, mua sắm đã được số hóa trên phần mềm ERP; Công tác Tổ chức, nhân sự: Đã cập nhật dữ liệu CBCNV đầy đủ lên phần mềm HRMS (Hồ sơ cá nhân, các bằng cấp, chứng chỉ, khen thưởng, kỉ luật; đào tạo, hồ sơ y tế)… Đối với công tác kỹ thuật vận hành đã số hóa được dữ liệu hệ thống đường dây và thiết bị của lưới trung thế (trên phần mềm GIS trung thế); Thiết bị, sự cố, thông số vận hành, kiểm định, bảo dưỡng (trên phần mềm PMIS); Quản lý mất điện (Sự cố, theo kế hoạch), chỉ số SAIDI, SAIFI, MAIFI (trên phần mềm OMS). Hệ thống quản lý đo xa trên hệ thống phần mềm HES, MDMS. Hệ thống SCADA, mini scada…

Đặc biệt, để bắt nhịp với xu thế số hóa doanh nghiệp, Ban Kinh doanh đã triển khai số hóa đồng loạt đến tất cả các quy trình của 14/16 dịch vụ kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong kỷ nguyên công nghệ số, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019.

Ban Kinh doanh cho biết, trong tuần này, Ban đang mở hai lớp tại Linh Đàm để đào tạo về các dịch vụ điện của EVN sẽ được số hóa trong năm nay. Từ tháng 11, những đơn vị tham gia hai lớp đào tạo này sẽ thực hiện ngay việc ký số các hợp đồng sinh hoạt và toàn bộ giấy tờ để đến được hợp đồng, bao gồm cả ký số nội bộ. Về công tác báo cáo, Ban đã thực hiện ký số từ năm 2018, hiện không còn tình trạng gửi báo cáo bằng giấy về Ban như trước kia.

Theo Ban Kinh doanh: “Tất cả các hợp đồng mua bán điện mới sẽ ký số từ tháng 11, với các hợp đồng cũ Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị scan để lưu. Ban cũng tạo toàn bộ hợp đồng số đối với hợp đồng sinh hoạt sau đó ký xác nhận trên OTP. Với khoảng hơn 9 triệu hợp đồng sinh hoạt thì dự kiến đến 30/6/2020 là xong một nửa, đến 30/6/2021 sẽ xong 27 đơn vị. Ngoài hợp đồng cũ để lưu thì công tác số hóa các nghiệp vụ kinh doanh cơ bản hết năm nay là kết thúc”.

Ngoài ra trong năm tới, EVNNPC sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo Chatbot nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng và gắn kết với khách hàng mọi lúc mọi nơi.

Số hóa tại EVNNPC trong thời gian tới

Dù đã đạt được một vài kết quả nhất định song Tổng giám đốc Đỗ Nguyệt Ánh cho rằng việc số hóa và ứng dụng công nghệ 4.0 trong mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty vẫn chưa thật sự mạnh mẽ, mới thực hiện những bước đi đầu tiên, bên cạnh đó thì tư duy và nhận thức của cán bộ công nhân viên về việc số hóa vẫn chưa đầy đủ.

 Toàn cảnh buổi họpToàn cảnh buổi họp

Tổng giám đốc Đỗ Nguyệt Ánh cho rằng, số hóa mọi mặt hoạt động tức là phải số hóa mọi dữ liệu, mọi quy trình làm việc và có sự vào cuộc của toàn thể cán bộ công nhân viên và người lao động trong Tổng công ty. Đơn cử như Văn phòng, ngoài số hóa văn bản còn phải số hóa được toàn bộ quy trình đi công tác, đăng ký xe ô tô, công tác phí, nạp nhiên liệu… Công tác kế hoạch số hóa từ khâu đăng ký danh mục đến phân tích, tập hợp dữ liệu; Công tác tổ chức và nhân sự phải số hóa được toàn bộ hồ sơ của cán bộ công nhân viên, trong đó tích hợp đầy đủ thông tin và có thể tìm kiếm dựa trên các trường dữ liệu; Công tác kỹ thuật vận hành sẽ số hóa đến từng phần tử trên lưới điện… đồng thời áp dụng công nghệ hotline, máy bay không người lái UAV, các ứng dụng và thiết bị chẩn đoán, phát hiện sớm và phòng ngừa sự cố…

Để thực hiện tốt công tác số hóa của Tổng công ty, Tổng giám đốc yêu cầu ngay trong tháng 11, lãnh đạo các ban rà soát và hoàn thiện danh sách dữ liệu, quy trình cần số hóa gửi về Ban Viễn thông và công nghệ thông tin; Tiếp đến xây dựng lưu đồ chu trình giải quyết công việc từ các điện lực đến cấp Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐTV… từ đó làm cơ sở xây dựng phương án đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo lưu trữ khối lượng dữ liệu khổng lồ trong toàn Tổng công ty.

Cũng tại cuộc họp trên, Phó tổng giám đốc Nguyễn Đức Thiện cho rằng, cần phải có lộ trình số hóa cụ thể rõ ràng để tránh chồng chéo và chuẩn bị nguồn lực đầu tư.

“Ngoài ra, muốn số hóa và tiến tới 4.0 thì toàn thể cán bộ công nhân viên phải có thái độ tích cực chủ động, giải quyết công việc nhanh chóng khoa học, tránh tình trạng “quá hạn” trong giải quyết công việc vẫn xảy ra như hiện nay”, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đức Thiện nói.

Còn theo Phó Tổng giám đốc Lê Minh Tuấn, số hóa toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh là công việc khá mới mẻ trong Tổng công ty; Do đó nên thành lập một nhóm công tác tìm hiểu về thực trạng số hóa của các Tổng công ty trong EVN, cũng như các công ty điện lực trong và ngoài khu vực để từ đó xây dựng một hướng đi đúng đắn, tiết kiệm và hiệu quả áp dụng thành công trong Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

Phương Anh