TS. Cấn Văn Lực: Chúng ta theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp với tình hình. Ảnh VGP/Giang Oanh
TS. Cấn Văn Lực: Chúng ta theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp với tình hình. Ảnh VGP/Giang Oanh.

Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, đây là lần thứ ba Fed tăng lãi suất trong năm nay và mỗi lần Fed tăng lãi suất, tác động đều thể hiện rất rõ. Theo đó, mặt bằng lãi suất trên thế giới sẽ tăng lên, nhất là lãi suất đồng USD. Đồng thời, tỉ giá tăng lên do đồng USD tăng. Ngoài ra, đối với một số quốc gia thì nghĩa vụ trả nợ cũng bị tăng lên và cuối cùng là hiện tượng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư gián tiếp.

Về tác động dịch chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, theo tôi, tại Việt Nam, các nhà đầu tư vẫn mua ròng trên thị trường chứng khoán, dù không nhiều, đâu đó khoảng vài chục triệu USD, song điều này vẫn tốt hơn rất nhiều so với các nước bị bán ròng vài tỷ USD.

"Tôi cho rằng, khi Fed tăng lãi suất thì lãi suất trong nước những tháng cuối vẫn có xu hướng tăng. Cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều sẽ tăng nhẹ. Lãi suất cho vay về cơ bản sẽ tăng chậm hơn lãi suất huy động và có thể mức tăng không đáng kể vì chỉ đạo chung của Quốc hội, của Chính phủ là phải ổn định mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp", Tiến sỹ Lực phân tích.

Đối với vấn đề lạm phát, khi thế giới đang có nhiều biến động, ngân hàng Trung ương các nước đang thắt chặt nhanh tiền tệ, cộng với việc Fed tăng lãi suất, điều này sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chúng ta thấy về cơ bản, Chính phủ Việt Nam đã liên tục chỉ đạo cần phải theo dõi và phản ứng để có các chính sách phù hợp. 

Cụ thể là Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, các bộ, ngành có liên quan… phải theo dõi, nhận định tình hình chính xác và đưa ra các giải pháp để vừa giảm thiểu rủi ro tác động, vừa có thể tận dụng những cơ hội để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi.

Ảnh minh họa internet
Fed tăng lãi suất, Việt Nam cần thận trọng, linh hoạt, ổn định tỉ giá hợp lý. Ảnh minh họa internet.

Có thể thấy, trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, thì đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Mặc dù thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát, nhưng tôi tin Việt Nam vẫn có thể kiểm soát lạm phát khoảng 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Chúng ta kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng "ổn định không có nghĩa là cố định" mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp với tình hình.

Chuyên gia Cấn Văn Lực nhận xét: Khi Fed tăng lãi suất thì sẽ khiến cho đà tăng trưởng kinh tế của thế giới chậm lại và sẽ có tác động tiêu cực, giảm bớt lợi thế đối với xuất khẩu, đầu tư của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Điều này rõ ràng cho thấy chúng ta cần phải chủ động để đa dạng hóa thị trường, đối tác và phải đa dạng hóa cả các đồng tiền thanh toán, để một mặt chúng ta có thể tranh thủ được các hiệp định thương mại tự do cũng như những thị trường mới vẫn còn tiềm năng, nhất là nhiều hàng hóa của Việt Nam đang xuất khẩu chủ yếu là hàng hóa thiết yếu như là hàng da giày, dệt may, linh kiện điện tử, thuỷ sản. Đây là những mặt hàng tiêu dùng nên lợi thế là có, trong khi tác động tiêu cực không nhiều.

Đối với đầu tư thì rõ ràng sức cầu trên thế giới sẽ giảm. Do đó, chúng ta cần tranh thủ dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ cung ứng sang để bù đắp cho những phần suy giảm từ xuất khẩu và đầu tư trước đó.

Hiện nay chúng ta đang kiểm soát tốt lạm phát và khả năng lạm phát khoảng 4% là khả thi. Tuy nhiên có một diễn tiến cần lưu ý, đó là khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ cũng như nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất (có thể tăng đến giữa năm 2023 và thậm chí đến hết năm 2023) khi mà giá cả, lạm phát còn ở mức cao.

Chính vì vậy, chúng ta phải chủ động, liên tục bám sát tình hình để theo dõi, phân tích, đánh giá và đưa ra những kịch bản ứng phó, xử lý sao cho phù hợp, để một mặt kiểm soát được rủi ro, lạm phát, một mặt ổn định được kinh tế vĩ mô, giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế và có thể tranh thủ tận dụng được một số cơ hội.

Ví dụ như chúng ta cần tranh thủ việc dịch chuyển các dòng vốn đầu tư trong bối cảnh Việt Nam kiềm chế tốt được các dịch bệnh, kiểm soát tương đối tốt về lạm phát, giá cả, tỉ giá và đặc biệt là khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam đang ở mức cao, hợp tác với các nước rất sâu rộng.

Nguyễn Quỳnh Vân (t/h)