Sáng nay (29/6), Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý II-2023 và 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng này chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,25%, đóng góp 8,53% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,50%, đóng góp 23,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,11%, đóng góp 67,84%.

Tính chung GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%. Mức tăng này chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85%.

Tại khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tình hình sản xuất phát triển ổn định nhờ điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng và sinh vật phát triển. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,43%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,77%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.

Đối với khu vực công nghiệp, ngành công nghiệp nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp trong quý II/2023 ước tính đạt 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Về khu vực dịch vụ, nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực này. Trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,49% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,18%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,13%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,14%.

Ngành dịch vụ có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2023
Ngành dịch vụ có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2023.

Về thu chi ngân sách nhà nước, tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 875.800 tỷ đồng, bằng 54% dự toán năm và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi tổng chi ngân sách nhà nước là 804.600 tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán năm và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy sau 6 tháng, ngân sách nhà nước bội thu hơn 71.000 tỷ đồng. 

Về hoạt động của doanh nghiệp, tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 113.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động (75.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Trong chiều ngược lại có 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (60.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể).

Theo kết quả điều tra tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2023 cho thấy có 27,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I/2023. Trong quý II/2023, tình hình lao động, việc làm có xu hướng tăng nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất. Tuy vậy, có 34,3% số doanh nghiệp lạc quan rằng tình hình kinh doanh trong quý III/2023 sẽ cải thiện hơn quý II/2023.

Thảo Nguyễn(t/h)