Mới đây, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức hội thảo Công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam 2023 tại Hà Nội với chủ đề “Liên kết và phát triển doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tự chủ”.
Báo cáo đã chỉ ra, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn mặc dù đã có nhiều giải pháp quyết liệt kéo giảm lãi suất cho vay. Tiếp đó, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài được coi là một ẩn số khó xác định cho kinh tế toàn cầu và thị trường dầu mỏ năm 2023. Cuối cùng xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI do liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI còn yếu.
Bên cạnh những thách thức, kinh tế nước ta có 4 cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới. Thứ nhất, các chính sách điều hành nền kinh tế gần đây cho thấy những quyết tâm thúc đẩy kinh tế trong nước. Thứ hai, tăng điều kiện xuất nhập khẩu cho nhiều ngành hàng trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại. Thứ ba, cơ hội từ làn sóng dịch chuyển chuỗi đầu tư. Thứ tư, FTA tiếp tục là động lực tăng trưởng thương mại.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2023.
Tại kịch bản cơ sở, ông Việt cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt 6%, chỉ số giá tiêu dùng (PCI) bình quân của năm khoảng 4%. Kịch bản này thấp hơn mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ 0,5%; nhưng nhiều khả năng xảy ra. Để đạt được con số này, các yếu tố bên ngoài (xung đột Nga - Ukraine, sự suy giảm kinh tế với các đối tác thương mại lớn của Việt Nam) không gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế trong nước. Chính sách tài chính - tiền tệ được điều hành linh hoạt, phù hợp. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định.
Với kịch bản cao, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5%, CPI bình quân của năm khoảng 4,2%. Theo VEPR, kịch bản này ít khả năng xảy ra, nhưng cũng có thể khi kinh tế thế giới diễn biến tích cực, sự mở cửa của Trung Quốc tạo cú hích quan trọng đối với kinh tế toàn cầu.
Ở kịch bản thấp, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ đạt 5,5%, CPI bình quân của năm khoảng 3,5%. Kịch bản này cũng ít có khả năng xảy ra, trừ trường hợp diễn biến xung đột địa chính trị trên thế giới trở nên phức tạp hơn.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR, chính sách hỗ trợ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là một trong những nền tảng để giúp khôi phục lòng tin của thị trường, nhà đầu tư và tiêu dùng trong nước. Cùng đó, sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan bộ, ngành từ trung ương đến địa phương để giải quyết các vướng mắc, khó khăn của DN.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.nhằm tăng mức độ uy tín trên thị trường, mở rộng khả năng xuất khẩu tại các thị trường khó tinh như Mỹ, EU,...
Thảo Nguyễn (t/h)