THCL Hiệp hội BĐS Việt Nam cho hay, trong tháng 7, thị trường tiếp tục ghi nhận sự tăng giá của hầu hết các phân khúc như căn hộ, nhà phố, đất nền, biệt thự…

BĐS tầm trung có lợi thế

TP. HCM, giá BĐS tăng đều ở các phân khúc trung cấp và cao cấp, trong đó, phân khúc tầm trung đang chiếm ưu thế với các dự án mới như Richmond City, Moonlight Garden của Hưng Thịnh, Diamond Lotus Riverside - Phúc Khang, Citisoho - Kiến Á Group… Các dự án thuộc phân khúc trung cấp có kết quả kinh doanh tốt, chiếm khoảng 37% tổng lượng tiêu thụ toàn thị trường.

Tại Hà Nội, ghi nhận 2 dự án mới ra mắt, cung cấp khoảng 700 căn cho thị trường. Trong đó, căn hộ trung cấp chiếm tỷ lệ cao nhất (82%)/tổng số căn mở bán.

Về giá bán, nhìn chung toàn thị trường đều tăng, nhất là tại các dự án có vị trí tốt với khoảng cách vừa phải đến trung tâm thành phố, hoặc gần các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng đang được triển khai…

Phân khúc hạng sang có mức giá tăng 2,6% so cùng kỳ năm trước, trong khi phân khúc bình dân giữ mức ổn định. Đất nền, nhà phố tiếp tục nóng. Đây là phân khúc tiếp tục giữ phong độ trong tháng 7/2016. Nhu cầu săn tìm mua nhà phố đang có xu hướng tăng, kéo theo giá tiếp tục nhích 4 - 12%, tùy diện tích, vị trí, khu vực.

Về phân khúc đất nền, trong tháng vẫn tiếp tục ghi nhận nguồn cung chào bán của các dự án: Cát Tường Đức Hòa, Phú Đông Him Lam (TP. HCM); Khu đô thị Phú Lương, Dự án Nam An Khánh (Hà Nội); Khu đô thị Mỹ Phước 4 (Bình Dương)… Ngoài việc nguồn cung liên tục gia tăng, giá bán của phân khúc này cũng đang trên đà tăng lên khoảng 20 - 40%. Nhất là đối với các dự án dọc tuyến Metro TP. HCM, tàu điện trên cao tại Hà Nội, gần các dự án lớn, cơ sở hạ tầng hoàn thiện và tiện ích đầy đủ giá có thể tăng mạnh khoảng 45% - 50%.

Sôi động thị trường M&A

Báo cáo của Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, cùng với việc thu hút nguồn FDI, hoạt động M&A (mua bán - sáp nhập) diễn ra khá thuận lợi. Đặc biệt, khi Luật Kinh doanh BĐS chính thức có hiệu lực (từ giữa năm 2015) cho phép DN được công khai, mua bán và chuyển nhượng dự án, sẽ là điều kiện thuận lợi đối với hoạt động M&A BĐS.

Hoạt động M&A thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là từ Nhật Bản. Việt Nam được nhìn nhận là thị trường hấp dẫn so với nhiều nước Đông Nam Á, vì nền kinh tế và thị trường BĐS đang không ngừng được cải thiện. Do đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư vào các tài sản sinh lợi tại những thành phố lớn của Việt Nam. Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước, khi thực hiện M&A sẽ khó khăn hơn về vốn nếu các ngân hàng thắt chặt hoạt động cho vay.

Có thể kể đến một số thương vụ đình đám M&A có yếu tố nước ngoài diễn ra trong quý II/2016. Đó là Dự án khu phức hợp gồm 21 tầng diện tích văn phòng, khu căn hộ dịch vụ 32 tầng cùng khu khách sạn 21 tầng và khối đế thương mại tại 39 Lê Duẩn (quận 1, TP. HCM) được chuyển nhượng từ Tập đoàn Kumho Industrial Company Limited sang Công ty Mapletree Investments Pte Ltd (Singapore). Giá trị của thương vụ chuyển nhượng này ước tính trên 200 triệu USD. Cũng tại TP. HCM, có thêm vụ M&A tại dự án phát triển căn hộ trên khu đất 1 ha thuộc quận 2. Tại dự án này, Frasers Centrepoint Limited tham gia dưới hình thức hợp tác có điều kiện với 70% cổ phần trong dự án G Homes, 30% còn lại - vẫn thuộc về Tập đoàn An Dương Thảo Điền.

Thị trường Hà Nội, nổi lên thương vụ M&A tại khu cao ốc căn hộ dịch vụ với 155 căn hộ cho thuê và 20 biệt thự. Phía Công ty Keppel Land (Singapore) đã chuyển nhượng 70% cổ phần cho Tập đoàn BRG với mức giá ước tính khoảng 22,4 triệu USD cho số cổ phần tương ứng.

Trong khi tại Đà Nẵng, đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm và địa phương cũng được đánh giá là nơi hội tụ những yếu tố mà Hà Nội và TP. HCM không cạnh tranh nổi: Ưu điểm về hạ tầng, môi trường, sản phẩm đặc thù… đang là lợi thế để hoạt động M&A, cũng như BĐS tại Đà Nẵng phát triển.

Kiều Tuyết