Nhìn chung, hầu hết giá hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới trong tháng 6 có xu hướng tăng giá. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2020, giá cả nhiều nhóm hàng hóa thiết yếu có biến động giảm giá, nhất là từ tháng 2 đến tháng 4 do dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên thế giới; từ tháng 5 và tháng 6, giá nhiều hàng hóa phục hồi trở lại.
Tại thị trường trong nước, tháng 6, dịch Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh và các hoạt động mua bán hàng hóa trên thị trường tiếp tục duy trì trong trạng thái bình thường mới. Cung cầu các mặt hàng thiết yếu, giá cả không có biến động bất thường.
Riêng mặt hàng thịt lợn vẫn ở mức cao do nguồn cung giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Giá xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng của giá thế giới nên tiếp tục điều chỉnh tăng nhưng được liên Bộ Công Thương – Tài chính điều hành với mức tăng thấp hơn mức biến động của thế giới.
6 tháng đầu năm 2020, giá cả nhiều nhóm hàng hóa thiết yếu có biến động giảm giá
Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, thị trường các mặt hàng nông sản thiết yếu nhìn chung ổn định, giá cả không có biến động lớn, cung cầu được đảm bảo. Riêng mặt hàng thịt lợn, giá bán trên thị trường có thời điểm giảm nhẹ nhưng sau đó lại tăng trở lại và ở mức cao.
Trước những tác động tình hình thế giới và trong nước, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 6/2020 đạt 424.120 tỷ đồng, tăng 6,06% so với tháng trước và tăng 3,66% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất là nhóm bán lẻ hàng hóa đạt 336,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 2.358.280 tỷ đồng, giảm 1,78% so với cùng kỳ năm 2019, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,22% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,66%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng ước tính đạt 1.895,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm lương thực thực phẩm và đồ dùng thiết bị gia đình vẫn duy trì được mức tăng (tương ứng 7,04 và 5,01%). Các nhóm may mặc, văn hóa phẩm, phương tiện đi lại vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Ngọc Khánh