Giá cho các thành công của Nga liệu có quá đắt? - Hình 1

Tổng thống Nga Putin

Nhận định trên được hãng thông tấn Bloomberg của Mỹ đưa ra. Theo đó, sau những thành công vừa qua, nước Nga trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với một loạt các hậu quả tiêu cực nảy sinh từ các thành công này.

Trong thời gian gần đây, rất nhiều chuyên gia phân tích chính trị của châu Âu đều có chung nhận định rằng Tổng thống Nga Putin, người đã đồng hành cùng vài đời Tổng thống Mỹ, đã nâng cao đáng kể vị thế của Nga trên trường quốc tế. Từ vai trò mờ nhạt, chỉ mang tầm chiến thuật, nước Nga của Tổng thống Putin đã lấy lại vị thế chiến lược hàng đầu, đồng thời giành được hàng loạt chiến thắng ngoại giao khác. Chính các chuyên gia Nga cũng thừa nhận điều này. Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng các chiến thắng này của Nga sẽ phải trả bằng những cái giá không hề rẻ.

Theo tác giả bài phân tích trên Bloomberg, sự can thiệp của Nga vào cuộc khủng hoảng Syria đã giúp chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad được củng cố, đồng thời đảm bảo cho Nga hiện diện thường xuyên tại Syria, cũng như giúp Nga có vị thế quan trọng trong các cuộc đàm phán về tương lai cho khu vực Trung Đông.

Tuy nhiên, hành động này của Nga cũng làm xuất hiện ở Syria hàng chục nghìn các tổ chức đối lập có vũ trang mà Tổng thống Syria không bao giờ thừa nhận, cũng như các phần tử khủng bố. Trong tương lai gần, các lực lượng Nga sẽ phải tiếp tục hiện diện tại quốc gia Trung Đông này, kéo theo đó là các chi phí sẽ gia tăng và kèm theo là cả các tổn thất nhất định về con người.

Điều nguy hiểm hơn, theo Bloomberg, là Nga sẽ trở thành mục tiêu của các lực lượng khủng bố, trong khi cơ hội để Nga và Mỹ phối hợp với nhau thực hiện các chiến dịch chung chống khủng bố là khá nhỏ. Ngoài ra, việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiếp tục tại vị sẽ khiến cộng đồng quốc tế chưa chắc đã chung tay khôi phục Syria. Điều này đồng nghĩa với việc Nga sẽ phải gánh lấy trách nhiệm này và chi phí cho vấn đề này sẽ là không nhỏ.

Vấn đề khác ở Trung Đông mà Nga phải đối mặt có liên quan đến Iran. Việc Nga hợp tác chặt chẽ với Iran đã khiến các quốc gia Hồi giáo theo dòng Sunni bực tức và làm quan hệ của Nga với Israel trở nên không còn đồng thuận như trước. Bloomberg cũng không loại trừ khả năng sẽ xảy ra đụng độ giữa các lực lượng ủng hộ Israel với các lực lượng ủng hộ Iran tại Syria.

Điều này sẽ khiến Nga rơi vào tình thế rất khó xử. Xét về ảnh hưởng của Iran trong khu vực, vai trò chính trong quyết định tương lai Syria sẽ là Iran chứ không phải Nga, cho dù Nga có đổ tiền để khôi phục Syria.

Trong vấn đề Ukraine, Nga đã thành công trong việc giữ được ảnh hưởng ở Donbass, nhưng sẽ có cả một thế hệ người Ukraine quay lưng lại với Nga. Khủng hoảng Ukraine cũng khiến Nga phải gánh chịu hàng loạt cấm vận, giá dầu suy giảm cũng khiến sự tăng trưởng của nền kinh tế Nga trở về con số 0. Ngoài ra, do Mỹ và NATO quan ngại các kế hoạch của Nga với châu Âu nên đã gia tăng mạnh mẽ chi phí quân sự, bố trí hàng loạt lực lượng và phương tiện quân sự gần biên giới với Nga.


Giá cho các thành công của Nga liệu có quá đắt? - Hình 2

Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump

Các nỗ lực của Nga trong việc gây ảnh hưởng lên xã hội, lên cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và các cuộc bầu cử ở châu Âu khiến niềm tin với Moscow bị giảm sút. Điều này đã cản trở đáng kể khả năng các nước tiến hành hợp tác với Moscow, cả trong các lĩnh vực mà các nước có chung lợi ích. Các quốc gia ở châu Âu hiện rất sợ Nga sẽ can thiệp vào các cuộc bầu cử của mình.

Do đó, họ liên tục củng cố khả năng phòng thủ trong lĩnh vực an ninh mạng, cố gắng bảo vệ hệ thống cơ sở hạ tầng để sẵn sàng đáp trả trong trường hợp bị tấn công. Trong khi đó, dù Nga đã cố gắng gây ảnh hưởng lên các cuộc bầu cử ở Pháp và Hà Lan, các lực lượng chính trị trung dung ở các nước này vẫn thắng thế, còn Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục tái cử. Điều này cho thấy sẽ khó có khả năng quan hệ giữa Nga với châu Âu sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Bloomberg tổng kết rằng ở Syria và Ukraine, Nga đã chiến thắng và củng cố được vị thế của mình. Thành công ở Syria là điều kiện để Nga xây dựng mối quan hệ mới với Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu như thành công trong việc chia rẽ quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với NATO, Nga có thể giành được chiến thắng mang tính chiến lược.

Tuy nhiên, cáo buộc can thiệp của Nga vào các cuộc bầu cử ở nước ngoài và sự dính líu của Nga đến hàng loạt các cuộc xung đột chưa có hồi kết khiến các nước châu Âu đang dần e ngại trong hợp tác với Nga hơn. Châu Âu do đó sẽ tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và khoa học với Mỹ và đồng minh. NATO và Mỹ cũng sẽ tăng cường lực lượng áp sát biên giới Nga “đề phòng bất trắc”.

Đức Dũng – infonet