Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 8.050 đồng/kg, giá bình quân là 7.786 đồng/kg, tăng 571 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cũng tăng trung bình 688 đồng/kg, ở mức 9.417 đồng/kg; giá cao nhất là 9.800 đồng/kg.
Cụ thể, giá lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục có diễn biến tăng mạnh. Cùng với đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam cũng được chào bán với mức cao nhất kể từ tháng 7/2008.
Giá các mặt hàng gạo cũng có sự tăng khá mạnh. ạo 5% tấm có giá cao nhất 14.850 đồng/kg, giá bình quân 14.633 đồng/kg, tăng 983 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 14.550 đồng/kg, giá bình quân 14.350 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 14.250 đồng/kg, giá bình quân 14.033 đồng/kg, tăng 958 đồng/kg.
Loại tấm 1/2 cũng tăng 986 đồng/kg, trung bình 11.350 đồng/kg; giá cao nhất là 11.600 đồng/kg. Đặc biệt, giá gạo xát trắng loại 1 tăng mạnh với 1.288 đồng/kg, giá trung bình là 14.925 đồng/kg.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, năm 2023, tổng diện tích lúa cả nước khoảng 7,1 triệu ha; năng suất trung bình đạt 60,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 43,1 triệu tấn thóc, tăng trên 452.000 tấn so với năm 2022.
Từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, Bộ này đánh giá sản lượng thóc sẽ đảm bảo kế hoạch trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Lượng thóc dành cho xuất khẩu trong những tháng cuối năm dự kiến còn khoảng 2,66 - 2,67 triệu tấn, chưa kể lượng thóc, gạo nhập khẩu hàng năm từ Campuchia về để phục vụ chế biến.
Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 620-630 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008, và tăng so với mức từ 590-600 USD/tấn trong tuần trước đó.
Không chỉ Việt Nam, giá gạo xuất khẩu tại các "vựa lúa" châu Á tiếp tục nới rộng đà tăng mạnh trong tuần qua trong bối cảnh lệnh cấm xuất khẩu gạo gần đây của quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ tiếp tục làm dấy lên lo ngại về nguồn cung mặt hàng lương thực thiết yếu này trên toàn cầu.
Cụ thể, gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức kỷ lục từ 460-467 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức từ 450-455 USD/tấn của tuần trước do nhu cầu chuyển sang loại gạo này sau lệnh cấm đối với loại gạo non-basmati.
Tương tự, giá gạo Thái Lan hiện đã tăng gần 20% giá trị kể từ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati trong tháng 7/2023. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức từ 650-655 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 10/2008, so với mức từ 627-630 USD/tấn trong tuần trước.
Nhận định về giá gạo Việt Nam từ nay đến cuối năm, chuyên gia kinh tế Hoàng Thị Vân, Viện Kinh tế - Tài chính cho biết, lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan trong năm nay có thể tiếp tục bị hạn chế vì tình trạng khô hạn dưới tác động của hiện tượng El Nino. Kỳ vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 có thể tiếp tục vượt mức trên 7 triệu tấn.
Theo các thương lái, nguyên nhân khiến giá gạo tăng cao đột biến do nhiều đầu mối và doanh nghiệp gom hàng. Hiện, các thị trường Trung Quốc, Philipines, Indonesia đang đẩy mạnh nhập khẩu gạo Việt Nam.
Số liệu từ Hải quan Việt Nam, nửa đầu năm xuất khẩu gạo đạt hơn 4,2 triệu tấn, trị giá 2,26 tỷ USD, tăng trên 21% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng ước đạt 539 USD một tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2022 - mức cao nhất trong những năm vừa qua.
Các thị trường này lo ngại nguồn cung mặt hàng chủ lực này sẽ bị thiếu hụt sau khi Ấn Độ ra lệnh tạm dừng xuất khẩu loại gạo có sản lượng xuất khẩu lớn nhất vào tuần trước để bình ổn giá gạo trong nước, do thời tiết thất thường đe dọa sản xuất. Ấn Độ là quốc gia sản xuất gạo hàng đầu và chiếm 40% xuất khẩu gạo thế giới.
Tiếp sau Ấn Độ, hôm 29/7, Nga và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã thông báo tạm dừng xuất khẩu gạo để đề phòng nguy cơ thiếu hụt.
Cụ thể, Chính phủ Nga hôm 29/7 thông báo tạm thời cấm xuất khẩu gạo thô và gạo đã qua chế biến đến cuối năm nay. Quyết định này được đưa ra nhằm duy trì sự ổn định trên thị trường nội địa.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cũng áp đặt lệnh cấm xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo trong 4 tháng. Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức và áp dụng cho tất cả các loại gạo.
Các lệnh cấm trên có thể tiếp tục gây sức ép lên giá toàn cầu trong bối cảnh các nước lo ngại El Nino phá hủy mùa màng. Giá nhiều loại ngũ cốc lớn khác cũng đang tăng vọt do căng thẳng Nga - Ukraine. Việc Ấn Độ, UAE, Nga ban hành chính sách hạn chế hoạt động xuất khẩu gạo đã và tiếp tục tác động đến thị trường thương mại gạo toàn cầu.
Nhiều thương nhân quốc tế nhận định giá gạo xuất khẩu khu vực châu Á, đặc biệt là của Thái Lan và Việt Nam, có thể tăng lên tới 600 USD/tấn; thậm chí các loại gạo chất lượng cao sẽ đạt mức trung bình 700 USD/tấn.
Phương Anh