Đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, giá gạo xuất khẩu điều chỉnh tăng nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ. Theo đó, tỷ giá USD/VNĐ đang tăng cao; cũng với đó, thị trường Philippines và Malaysia đang có nhu cầu nhập khẩu lại, nên giá gạo xuất khẩu có thể tăng thêm hơn so với hiện tại.

Ảnh minh họa internet
Tin vui, giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới tăng 5 USD/tấn. Ảnh minh họa internet.

Trước đây Philippines dự kiến nhập khẩu gạo vào tháng 12, khi vụ mùa ở nước này kết thúc, nhưng nay do tình hình bão lũ tàn phá nặng nề các vùng nông nghiệp trọng điểm, nên chính phủ nước này đang tính đến chuyện nhập khẩu thêm gạo để đủ tiêu dùng trong nước, và tồn kho dự trữ quốc gia.

Rất có thể họ sẽ triển khai vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 và sớm hơn dự kiến một tháng. Thời điểm này lúa Thu Đông 2022 ở Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch sẽ giúp đầu ra lúa Thu Đông thuận lợi hơn về mặt giá cả.

Hiện lúa OM 5451 đang được thương lái thu mua ở mức 5.500 – 5.700 đồng/kg, lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức 5.500 -5.700 đồng/kg; lúa IR 504 5.300 – 5.500 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 5.600 – 5.800 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; nếp An Giang (tươi) 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp Long An (tươi) 6.200 – 6.500 đồng/kg.

Với lúa khô, hiện lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg; hiện nếp khô An Giang đang được thương lái thu mua ở mức 8.600 – 8.800 đồng/kg; nếp Long An khô 8.500 – 8.800 đồng/kg;

Giá gạo nguyên liệu, thành phẩm đi ngang sau phiên điều chỉnh tăng. Hiện giá gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 8.800 đồng/kg; gạo thành phẩm duy trì ổn định ở mức 9.400 đồng/kg. Tương tự, mặt hàng phụ phẩm duy trì ổn định. Hiện giá tấm ở mức 9.100 đồng/kg; giá cám khô 8.250 – 8.300 đồng/kg.

Công Huy (t/h)