Thông tin thêm tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra chiều 29/10, bà Nguyễn Thị Liên Hương,Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện tại đang có hơn 21.800 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực với khoảng trên 700 hoạt chất các loại nên cơ bản đảm bảo được nguồn cung thuốc trên thị trường.

Căn cứ diễn biến tình hình và báo cáo của cơ sở khám chữa bệnh, thông tin về nguồn cung thuốc trên thị trường, Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc, đặc biệt loại hiếm, khó khăn về nguồn cung. Nhờ đó cơ sở khám chữa bệnh nắm được thông tin về nguồn cung thuốc, chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo đủ phục vụ khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã giúp các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc nhận diện được xu hướng biến động của thị trường dược phẩm để xây dựng kế hoạch cung ứng, đáp ứng nhu cầu điều trị của các bệnh viện.

Theo Thứ trưởng Y tế, nguồn cung thuốc được đảm bảo khi 21.800 loại thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực với hơn 700 hoạt chất các loại.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, nguồn cung thuốc được đảm bảo khi 21.800 loại thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực với hơn 700 hoạt chất các loại

Về một số giải pháp bảo đảm nguồn cung thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế tiếp tục đổi mới công tác đăng ký lưu hành thuốc nhằm bảo đảm nguồn cung. Bộ Y tế cũng đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược theo hướng gia hạn tự động giấy lưu hành thuốc nhằm hạn chế tối đa thủ tục hành chính. Cùng với đó là bổ sung các đơn vị thẩm định vào các trường đại học dược và các trường đại học y dược thuộc Bộ Y tế để thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Đồng thời, Bộ Y tế tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối các cơ sở xuất, nhập khẩu thuốc để theo dõi nguồn cung của các thuốc, qua đó điều tiết kịp thời việc nhập khẩu kinh doanh thuốc.

Theo Bộ Y tế, giữa năm 2022, toàn quốc có 28/34 sở y tế và 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo thiếu thuốc, gồm kháng sinh, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết... 26/34 sở y tế và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. 14/34 sở y tế và 8/21 bệnh viện tuyến trung ương có tình trạng thiếu thiết bị y tế.

Ngày 05/08, Bộ Y tế công bố kết quả lựa chọn nhà thầu của ba gói mua thuốc tập trung cấp quốc gia với tổng giá trị gần 6.300 tỷ đồng, được kỳ vọng giải "cơn khát" thuốc điều trị.

Các thuốc tổ chức đấu thầu có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước, chủ yếu là kháng sinh (44 thuốc), thuốc tiêu hóa (19), thuốc tim mạch (16), thuốc điều trị ung thư (11), thuốc điều trị tiểu đường (7) và 9 thuốc thuộc các nhóm khác.

Thiên Trường