Tuy nhiên, những cá nhân trên chỉ bị khởi tố về tội “trốn thuế”. Nhận thấy có nhiều “bất thường” trong quá trình điều tra giải quyết vụ án, Công ty CTC đã tiếp tục gửi đến các cơ quan chức năng - đề nghị làm rõ thêm nhiều vấn đề liên quan.
Vừa qua, VKSND tỉnh Gia Lai đã ra Cáo trạng số 71/CT VKS – P3, kết luận nhóm người thuộc Công ty CTC không có hành vi chiếm đoạt số tiền 8.431.769.293 đồng như nội dung tố cáo của doanh nghiệp, mà chỉ phạm tội trốn thuế với số tiền 1.606.022.024 đồng.
Trong khi Công ty CTC là đơn vị bị thiệt hại, đứng ra tố cáo lại không được đưa vào tham gia tố tụng?
Doanh thu lớn bị bỏ ngoài sổ sách - chiếm đoạt tài sản hay trốn thuế?
Đại diện Công ty cổ phần Gia Lai CTC cho biết, sở dĩ công ty khẳng định, các ông Đinh Vạn Dũng, Nguyễn Trần Hanh, Đặng Văn Chính có hành vi chiếm đoạt số tiền hơn 8,4 tỷ đồng của nhà hàng Tre Xanh là căn cứ vào hệ thống chứng từ, sổ sách kế toán của công ty. Theo đó, khoảng tháng 10/2014 đến tháng 6/2016 tổng doanh thu 8.421.769.293 đồng của nhà hàng Tre Xanh (đơn vị trực thuộc công ty CTC) đã bị “giấu nhẹm” đi, không được kê khai, không đưa vào báo cáo quyết toán thuế của công ty CTC.
Hơn 8,4 tỷ đồng doanh thu của nhà hàng Tre Xanh đã bị bỏ ngoài sổ sách
Xuất phát từ đặc trưng của doanh nghiệp là mọi hoạt động thu chi tài chính bắt buộc phải được thể hiện qua hệ thống sổ sách kế toán, chứng từ của công ty, nên đối với bất kỳ một khoản chi nào do các bị can khai nại ra, nhất thiết phải được đối chiếu với hệ thống sổ sách kế toán và đối chất với doanh nghiệp để xác định khoản chi đó có hợp pháp hay không? Có căn cứ pháp lý hay không?
“Như vậy, quá trình điều tra đã xác định việc các bị can bỏ ngoài sổ sách doanh thu hơn 8,4 tỷ đồng là hoàn toàn có thật, vấn đề là cần làm rõ “đầu ra” của số tiền này. Tức là, cần làm rõ số tiền trên đã được các bị can sử dụng vào mục đích gì? Nếu các bị can không đưa ra được các chứng từ hợp pháp để chứng minh cho việc đã dùng một phần (hoặc toàn bộ số tiền) vào mục đích kinh doanh của công ty, thì hành vi bỏ ngoài sổ sách doanh thu, không nộp lại số tiền trên cho công ty, rõ ràng là hành vi chiếm đoạt tài sản, chứ không thể xem là hành vi Trốn thuế được”, vị đại diện công ty khẳng định.
Nhận định về hành vi của các bị can, luật sư Nguyễn Tấn Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, nếu xác định số tiền 1.606.022.024 đã bị các bị can chiếm dụng thì đó là hành vi chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp chứ không phải trốn thuế. Bởi lẽ, đây là khoản tiền mà Công ty CTC phải có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước trên tổng doanh thu hơn 8,4 tỷ đồng của Nhà hàng Tre Xanh. Và, cho đến trước thời điểm số tiền này được nộp vào ngân sách Nhà nước, về nguyên tắc, nó vẫn là tài sản thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Gia Lai CTC. Vì vậy, bất kỳ một hành vi nào mang tính xâm phạm sở hữu đối với số tiền trên, đều là hành vi chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp.
Cáo trạng của VKSND Gia Lai cũng xác định, về trách nhiệm dân sự, đại diện Cục thuế tỉnh Gia Lai yêu cầu các bị can bồi thường số tiền trốn thuế là 1.606.022.024 đồng. Các bị can đã nộp tiền khắc phục toàn bộ số tiền thuế đã trốn nêu trên.
Nhiều vấn đề cần làm rõ
Cùng với việc các bị can tự bỏ tiền túi ra để khắc phục hậu quả một cách “bất thường” và “khó hiểu” như đã nêu trên, việc Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai xử lý vấn đề trách nhiệm dân sự của vụ án bằng cách đưa Cục thuế tỉnh Gia Lai vào tham gia tố tụng để trực tiếp nhận số tiền khắc phục hậu quả từ các bị can, mà không thông qua Công ty CTC là chủ thể chịu thuế trong vụ án này, cũng gây không ít “băn khoăn” trong dư luận. Bởi lẽ, nếu cho rằng các bị can trong vụ án này, không có hành vi chiếm đoạt tài sản của công ty (trong đó có số tiền thuế 1.606.022.024 đồng) thì lý do gì các bị can lại tự bỏ ra một khoản tiền lớn như thế để khắc phục hậu quả?
Theo luật sư Nghiêm Thị Như Hoa (Đoàn luật sư TP.HCM), cách xử lý về phần dân sự như Cáo trạng của VKSND Gia Lai là hoàn toàn không ổn về mặt pháp lý. Vì nếu cho rằng, các bị can chỉ phạm tội trốn thuế với số tiền 1.606.022.024 đồng, thì điều đó cũng có nghĩa, người được hưởng lợi từ hành vi trốn thuế này là Công ty CTC (chứ không phải bản thân các bị can). Và, số tiền trốn thuế nêu trên, hiện nay đương nhiên phải do công ty đang nắm giữ.
Công ty CTC yêu cầu cần làm rõ một số vấn đề của vụ án
Vậy, tại sao trong quá trình tố tụng vụ án, cơ quan chức năng không đưa Công ty CTC vào tham gia tố tụng để xử lý số tiền trốn thuế đối với công ty, mà lại nhận tiền khắc phục hậu quả của các bị can, trong khi chính cơ quan tố tụng đã xác định, các bị can không có hành vi chiếm đoạt, không hưởng lợi từ số tiền trốn thuế này?
“Trong trường hợp này, Công ty cổ phần Gia Lai CTC cũng sẽ tham gia tố tụng, nhưng với tư cách là nguyên đơn dân sự hoặc người bị hại, và số tiền khắc phục hậu quả nêu trên, cần phải được hoàn trả cho công ty để công ty thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước thông qua hình thức khai thuế bổ sung, chứ không thể đưa Cục thuế tỉnh Gia Lai vào tham gia tố tụng để trực tiếp nhận số tiền khắc phục hậu quả như Cáo trạng của VKSND Gia Lai đã xử lý”, luật sư Hoa khẳng định.
Hiện Công ty cổ phần Gia Lai CTC đã có đơn gửi đến các cơ quan chức năng và TAND Gia Lai đề nghị được tham gia tố tụng để làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến vụ án.
Trước đó Công ty cổ phần Gia Lai CTC đã nhiều lần gửi “Đơn kêu cứu” đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ công an và Ban nội chính tỉnh Gia Lai.
Ngày 5/7/2018 Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6323/VPCP – V.I chuyển đơn của Công ty cổ phần Gia Lai CTC đến Công an tỉnh Gia Lai để xem xét xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Ngày 10/7/2018 Ban Nội chính tỉnh ủy tỉnh Gia Lai có công văn số 856 – CV/BNCTU nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Ban Nội chính tỉnh ủy chuyển đơn và đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Đồng thời báo cáo tiến độ, kết quả điều tra, giải quyết vụ án cho Ban Nội chính tỉnh ủy trước ngày 30/7/2018 để theo dõi và báo cáo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy biết, chỉ đạo.
Kim Yến