Trong 06 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.088 vụ với 1.037 đối tượng vi phạm; khởi tố 13 vụ với 14 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 898 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 20,2 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ phát hiện giảm 116 vụ, giảm 9,6%; số vụ khởi tố hình sự giảm 55 vụ, giảm 44 đối tượng; số thu nộp ngân sách Nhà nước giảm hơn 1,3 tỷ đồng, giảm 6%. Số vụ vi phạm chủ yếu là gian lận thương mại, gian lận thuế (805 vụ); buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu (273 vụ); hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ (10 vụ).
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tích trữ hàng hóa nhiều và tăng cao, nhất là trong dịp lễ, Tết. Vì vậy, vi phạm liên quan đến hàng cấm, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm có xu hướng tăng, đặc biệt liên quan đến ma túy, pháo nổ, lâm sản, rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, mỹ phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồ chơi trẻ em…
Bên cạnh đó, tình trạng nhập lậu, mua bán hàng cấm, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm về giá sẽ diễn biến phức tạp đối với một số mặt hàng như thuốc lá điếu nhập lậu, pháo nổ, rượu ngoại, xăng dầu, gas, sữa, lâm sản... Các hành vi vi phạm đối với lĩnh vực thương mại điện tử sẽ tăng, các đối tượng kinh doanh sẽ có những hành vi vi phạm tinh vi hơn để đối phó với các lực lượng chức năng.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Phước Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thời gian qua, các đơn vị thành viên đã có nhiều giải pháp hiệu quả nên kết quả đạt được trong 06 tháng đã giảm được số vụ vi phạm, giảm số vụ khởi tố hình sự…
Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn nhìn nhận ra những mặt hạn chế, yếu kém để đề ra những giải pháp cụ thể. Hiện nay, lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển mạnh; theo đó cần tập trung chỉ đạo thực hiện để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng, phải tích cực vận động thành lập hộ kinh doanh, doanh nghiệp để đưa hoạt động này đi vào khuôn khổ, chống thất thu thuế.
Từ nay đến cuối năm, các ngành chức năng cần kiên quyết quản lý tốt các mặt hàng, lĩnh vực như: ma túy, xăng dầu, phân bón, thuốc lá, pháo nổ, giống cây trồng, thương mại điện tử… để xử lý kịp thời, mang tính răn đe.
Trong điều kiện nền kinh tế đang kích cầu có nhiều thuận lợi và bất lợi đối với sự phát triển, đòi hỏi trách nhiệm của từng ngành, từng lĩnh vực cần thực hiện tốt hơn; cần tập trung vào các giải pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác phối - kết hợp giữa các ngành cần được chặt chẽ hơn, phải xây dựng mạng lưới chân rết để nắm bắt thông tin, tăng cường công tác xử lý thông tin, nếu cần thiết thì đề xuất thành lập đoàn thanh tra liên ngành để xử lý theo sự vụ. Đối với các vụ vi phạm lớn cần nhanh chóng xử lý kịp thời.
Kim Yến