Tham dự Lễ phát động có bà Huỳnh Nữ Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh – Phó trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh thực phẩm tỉnh; Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế - Phó trưởng ban thường trực ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh thực phẩm tỉnh; Đại biểu các Ban, ngành của Tỉnh; Đại diện lãnh đạo TP. Pleiku; Các đại biểu là Trưởng ban (Phó trưởng ban) Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm các huyện, thị xã; Lãnh đạo phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã và thành phố; Đại biểu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đoàn viên, thanh niên TP. Pleiku.

Lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” (gọi tắt “Tháng hành động”) năm 2019 mở đầu cho chiến dịch đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm năm 2019. Nhằm từng bước kiểm soát được điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm.

Gia Lai: Phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019 - Hình 1

Đại diện một số đơn vị ký cam kết đảm bảo An toàn thực phẩm năm 2019

Nhận thấy được tầm quan trọng đặc biệt của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sức khỏe nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan như: Chủ động phòng ngừa, triển khai mọi hoạt động một cách tích cực; Công tác thanh, kiểm tra được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả; Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm luôn được đặt ở vị trí quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, được đa dạng hóa dưới nhiều hình thức.

Năm 2018, Toàn tỉnh đã tổ chức 570 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành. Tổng số lượt cơ sở được thanh, kiểm tra: 6.652; số lượt cơ sở vi phạm: 1.264; số lượt cơ sở vi phạm bị xử lý: 273; Tổng số tiền phạt: 329.850.000đ. Bên cạnh đó, các cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành như: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy Sản; Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lực lượng Cảnh sát môi trường tỉnh, Lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai thanh tra, kiểm tra 703 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 351 cơ sở với số tiền 733.883.000đ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm hiện nay ở nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng vẫn diễn biến phức tạp Sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều nơi; một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn, vẫn lưu thông trên thị trường; thực phẩm nhập lậu vẫn diễn ra; điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ còn nhiều yếu kém; sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không kiểm soát được an toàn vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn; công nghệ chế biến lạc hậu; tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng; yếu tố môi trường tự nhiên, môi trường sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức.

Gia Lai: Phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019 - Hình 2

Đại biểu  hưởng ứng Tháng hành động An toàn thực phẩm 

Các hoạt động sẽ được ưu tiên tiến hành trong “Tháng hành động”  là tăng cường công tác giáo dục truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Phát biểu khai mạc Lễ phát động ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế - Phó trưởng ban thường trực ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh thực phẩm tỉnh ghi nhận và biểu dương những đóng góp to lớn của các đồng chí lãnh đạo đảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp và của tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm cho công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong những năm qua. Đồng thời kêu gọi sự tham gia tích cực hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa trong thời gian tới, vì sức khỏe cộng đồng.

Đây là dịp để tất cả chúng ta, từ những nhà lãnh đạo các cấp, đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh một lần nữa khẳng định cam kết Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Hải khẳng định.

Cũng tại Lễ phát động đại diện đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm là Siêu thị Coop Mart Gia Lai cũng đã phát biểu hưởng ứng, đồng thời ký cam kết thực hiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất và kinh doanh.

Kim Yến