Hội nghị tập huấn nghiệp vụ QLTT – 2024 do Cục QLTT tỉnh Gia Lai tổ chức. Ông Lê Hồng Hà, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Gia Lai chủ trì Hội nghị.

Theo Ban Tổ chức, Hội nghị tập huấn là nhằm triển khai Kế hoạch 05/KH-QLTTGL “Về công tác tập huấn và trao đổi nghiệp vụ” của Cục QLTT tỉnh Gia Lai. Đây là Hội nghị tập huấn nghiệp vụ đợt 3-4 năm 2024. Mục đích của Hội nghị là nhằm cập nhật, trao đổi chuyên môn cho toàn thể công chức Cục QLTT tỉnh Gia Lai. Đây là một trong những hoạt động quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác QLTT, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo sự công bằng trong môi trường kinh doanh. 

Quang cảnh Hội nghị tập huấn. Ảnh: Trung Hiếu.
Quang cảnh Hội nghị tập huấn. Ảnh: Trung Hiếu.

Theo đó, tại Hội nghị tập huấn, các công chức Cục QLTT Gia Lai được tham gia học hỏi và trao đổi kinh nghiệm về những vấn đề mới nhất liên quan đến công tác QLTT, nhất là những thay đổi trong các quy định pháp luật, nhằm nâng cao chất lượng trong hoạt động công vụ và giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong việc thực thi nhiệm vụ.

Cụ thể, Hội nghị tập huấn gồm có 4 chuyên đề chính, mỗi chuyên đề đều có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lý:

Chuyên đề 1: Một số nội dung mới trong Thông tư 06/2024/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung Thông tư 11/2015/TT-BKHCN, hướng dẫn Nghị định 99/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Chuyên đề này sẽ giúp công chức nắm bắt được các quy định mới về xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ, một vấn đề quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sở hữu các sáng chế, nhãn hiệu.

Chuyên đề 2: Các quy định về quản lý nhà nước và chế tài xử phạt đối với hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử. Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, chuyên đề này sẽ trang bị cho công chức kiến thức về cách thức quản lý và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến, nhằm đảm bảo một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.

Chuyên đề 3: Thời hạn và thời hiệu áp dụng trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Dân sự. Việc hiểu rõ các quy định về thời gian xử lý và hiệu lực của các quyết định xử lý vi phạm sẽ giúp công chức đảm bảo việc xử lý hành vi vi phạm chính xác, đúng thời hạn, và tuân thủ quy trình pháp lý.

Chuyên đề 4: Các hành vi vi phạm liên quan đến sản phẩm mì chính được san chiết và đóng gói tại Việt Nam. Chuyên đề này đề cập đến các hành vi vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh mì chính, một sản phẩm tiêu dùng phổ biến. Công chức sẽ được trang bị kiến thức về cách phát hiện và xử lý các vi phạm, từ đó bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng…

Viết Hiền