Giá thịt heo rớt thê thảm: Người chăn nuôi “khóc ròng” - Hình 1

Giá thịt heo rớt thê thảm, người chăn nuôi “khóc ròng”

Khó khăn chồng chất

Giai đoạn 2015-2016, giá lợn hơi trong nước tăng mạnh do nhu cầu xuất sang Trung Quốc tăng, đã khiến nhiều người dân đổ xô nuôi lợn, nhất là tại các tỉnh Đồng Nai, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa… Những tháng đầu năm 2017, tổng đàn lợn của cả nước đã lên đến gần 30 triệu con. Trong khi xuất khẩu bị “ách tắc” - đã khiến ngành chăn nuôi khủng hoảng trầm trọng.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, người chăn nuôi lợn đang khốn khó, trong vòng xoáy giảm giá. Thời điểm này, nhiều trang trại xuất lợn hơi ở Đồng Nai chỉ bán được ở mức 24.000 đồng/kg, với năng suất trung bình 110 kg/con thì số tiền bán được hơn 2,6 triệu đồng/con. Mức giá bán như trên, hầu như người nuôi mất trắng.

Việc mỗi con lợn, đang phải “cõng” quá nhiều loại phí khác nhau(phí giám sát cách ly, lệ phí cấp giấy kiểm dịch động vật, phí thẩm định vùng an toàn dịch bệnh, phí kiểm tra lâm sàng đối với lợn…) cũng là nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi khốn đốn.

Đặc biệt, có những loại phí như phí kiểm dịch bị thu tới 4 lần trong cả 4 khâu, từ khâu nhập giống, bán giống, xuất chuồng đến khâu ra lò, giết mổ. Ngoài ra, người nuôi còn phải trả thêm tiền chi phí vaccine, thuốc thú y cùng nhiều chi phí khác.

Giá thức ăn chăn nuôi cao, cũng khiến người chăn nuôi “khó chồng khó”!

Theo TS. Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), ngành chăn nuôi đang chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Mặt khác, giá bán sản phẩm chăn nuôi đang ở mức thấp nhất trong 10 năm qua, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam cao hơn khu vực 15-20%.

Cùng với đó là việc nhập khẩu hơn 7.000 tấn thịt lợn trong quý I, cũng được xem là một trong những lý do khiến ngành chăn nuôi điêu đứng.

Đâu là giải pháp?

Bộ NN&PTNT đã có Công văn trình Thủ tướng Chính phủ, đề xuất một số giải pháp nhằm giải cứu ngành chăn nuôi. Trước mắt là dừng nhập khẩu và tăng thu mua để cấp đông. 

Bộ cũng kiến nghị các giải pháp khoanh nợ, giãn nợ cho người chăn nuôi, người kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thú y. Giảm quy mô đàn lợn, nhất là đàn lợn nái từ 4,2 triệu con, xuống mức khoảng 3 triệu con.

Các đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến và tiêu thụ nhiều thịt như Vissan, Việt Đức, Hapro Hà Nội, Saigon Corp… tăng cường thu mua giết mổ cấp đông đối với thịt lợn, thịt gia cầm trong các tháng mùa hè tới…

Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng tăng trưởng “nóng” trong ngành chăn nuôi hiện nay, bắt buộc phải sử dụng biện pháp hành chính, nghĩa là phải có quy hoạch cho từng vùng.

Hộ nông dân nào muốn chăn nuôi phải đăng ký, phải có mã số trang trại, đáp ứng đủ các tiêu chí về xử lý môi trường, bảo đảm yêu cầu về diện tích trang trại… Sau khi có quy hoạch thì giao cho các sở NN&PTNT quản lý việc phát triển đàn.

Ông Văn Đức Mười, nguyên TGĐ Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho rằng, việc hoạch định về chiến lược chăn nuôi, cần xác định nơi có ưu thế về chăn nuôi, sau đó đặt ra hạn ngạch về số trang trại được cấp phép, số lượng đầu lợn được phép nuôi.

Nếu trang trại chỉ được phép nuôi 1.000 con mà nuôi nhiều hơn thì buộc phải đóng thuế môi trường gấp nhiều lần. Đối với xuất khẩu, khi nào DN mở được thị trường thì mới mở rộng chăn nuôi. Điều này, sẽ giúp Nhà nước quản lý được sản lượng. Thời gian tới, phải tổ chức lại chuỗi sản xuất, nâng cao năng suất để tăng hiệu quả chăn nuôi.

Chỉ khi nào chăn nuôi có chỉ dẫn địa lý và có uy tín, thì việc xuất khẩu sang các nước sẽ dễ dàng được chấp nhận. Ngoài ra, phải chuyên nghiệp hóa, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để tỷ lệ tiêu tốn thức ăn giảm xuống…

Nguyễn Kiên