giá tiêu trong nước đang giao dịch ở ngưỡng 77.500đ/kg
Giá tiêu trong nước đang giao dịch ở ngưỡng 74.500- 77.500đ/kg 

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giao dịch ở mức từ 74.500 - 77.500 đ/kg tại các địa phương.

Theo đó, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai, Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 74.500 đ/kg.

Tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (76.000 đ/kg); Bình Phước (76.500 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 77.500 đ/kg.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, tính đến 0h15 ngày 9/8, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ ở mức 41.375 Rupee/tạ (cao nhất), 41.300 Rupee/tạ (thấp nhất), tăng nhẹ so với phiên trước đó.

Tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam so với Rupee Ấn Độ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 5-11/8/2021 là 312,13 VND/IRN.

Giá tiêu trong nước đang sôi động dần lên sau chuỗi ngày ảm đạm. Giá xuất khẩu tăng trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu giảm, vận tải gián đoạn đã đẩy giá tiêu trong nước tăng theo.

Một yếu tố khác cũng đang giúp giá tiêu nội địa tăng bền vững, đó là lượng tiêu giá rẻ tồn trong dân từ các năm trước không còn nhiều. Hàng dự trữ bây giờ tại các kho đang thâm hụt, buộc các đơn vị phải tăng mua để bù vào.

Trong khi đó, 40.000 tấn tiêu dự trữ cần phải giá trên 80.000 đồng/kg mới có thể giải phóng được.

Thời gian gần đây, Mỹ và các nước thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) đã chuyển hướng qua mua tiêu từ Brazil vì chất lượng tiêu không quá chênh lệch so với tiêu Việt Nam. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 từ Việt Nam và từ Brazil tới EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam.

Với tình hình giá cước tăng liên tục và không có chiều hướng giảm như hiện nay, ngành hàng hồ tiêu Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh ở các thị trường Mỹ và EU.

Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải chấp nhận rủi ro nhằm giữ chân hai thị trường quan trọng này bằng cách cố gắng hạ tối đa lợi nhuận, thậm chí chấp nhận lỗ để giữ chân khách hàng.

Tuy nhiên, việc tăng giá cước phi mã, không có chiều hướng giảm khiến các doanh nghiệp khó có thể trụ thêm được. Đặc biệt trong hai năm vừa qua, tác động của dịch bệnh Covid-19 kéo dài cũng đã khiến không ít doanh nghiệp kiệt quệ.

Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có tiềm lực tài chính yếu, do đó phải đối mặt với nguy cơ phải phá sản, giải thể doanh nghiệp là rất cao.

 Thanh Nguyễn