Giá vé máy bay tiếp tục "leo thang"
Cả nước sắp bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, đây là một trong những kỳ nghỉ lễ dài trong năm. Đây cũng là thời điểm vào mùa của ngành du lịch chính vì vậy, ngành hàng không cũng như các ngành giao thông vận tải hành khách khác sẽ rất "bận rộn".
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, giá vé máy bay đang cao ngất ngưởng, khiến dự định đi du lịch của nhiều người vào dịp này bị ảnh hưởng.
Theo khảo sát của PV sáng ngày 20/4, những ngày đầu tháng Tư khởi động mùa du lịch nghỉ lễ, trên website bán vé của các hãng hàng không, giá vé máy bay nội từ 27/4 đến 4/5 đều đang ở mức khá cao.
Cụ thể, chặng Hà Nội - Phú Quốc, giá vé máy bay khứ hồi chiều đi ngày 27/4, chiều về ngày 2/5 của Vietjet Air đang có giá từ 6,5-8,7 triệu đồng, cao hơn 1,5-2 triệu đồng so với thời điểm tuần trước.
Tại chặng bay từ sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) - sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) có giá vé tương đối cao, khoảng trên dưới 4 triệu đồng.
Cụ thể, Bamboo Airways khai thác chặng bay Hà Nội - Cam Ranh với mức giá rẻ nhất khứ hồi là 4,733 triệu đồng/người (đã bao gồm thuế phí) với giờ bay tương đối đẹp, chiều đi lúc 14h30 và chiều về lúc 16h55.
Vẫn là chặng bay trên, Vietjet Air khai thác chuyến rẻ nhất với mức khứ hồi là 4,33 triệu đồng/người (đã bao gồm thuế phí) với giờ bay chiều đi 17h, chiều về 8h30.
Tương tự, các chuyến xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh cũng ghi nhận tình trạng giá vé tăng ‘sốc’.
Theo đó, giá vé máy bay khứ hồi từ TP. Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng tăng từ mức khoảng 2,2 triệu đồng/vé các ngày thường lên mức từ 3,9 - 4,3 triệu đồng trong cao điểm lễ. Thậm chí, vé khứ hồi của các hãng bay Bamboo Airways, Vietnam Airlines chiều đi từ ngày 27/4 có giá lên tới gần 5 triệu đồng/vé.
Đặc biệt chặng bay kết nối từ TP. Hồ Chí Minh đến Phú Quốc vào ngày 27/4 đã không còn ghế.
Ngoài ra, nhiều chặng bay kết nối từ TP. Hồ Chí Minh đến các địa phương du lịch nổi tiếng khác như: Quy Nhơn, Đà Lạt… cũng ở mức cao gấp 2 - 3 lần so với ngày thường.
Mức giá vé máy bay tăng vọt đã khiến nhiều hành khách “kêu trời”, thậm chí nhiều người đã phải thay đổi phương tiện di chuyển hoặc đổi kế hoạch đi du lịch để tiết giảm chi phí.
Chị Đặng Huế, phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh cho biết, trước khi bước vào đợt nghỉ lễ 30/4 – 1/5 chính thức giá vé bay chặng TP. Hồ Chí Minh cao ngất ngưởng mà vẫn không còn ghế nên gia đình chị phải thay đổi kế hoạch. Tuy nhiên, khi vào đúng dịp nghỉ lễ và cuối ngày nghỉ lễ giá vé lại hạ giá mạnh tôi cũng không vội mua vé", chị Huế nói.
Tăng thời gian hoạt động, khai thác tối đa tàu bay
Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội các hãng hàng không Châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), có 4 lý do khiến vé máy bay toàn cầu tiếp tục căng thẳng trong năm 2024 với mức tăng 3-7%, thậm chí tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Thứ nhất, tình trạng thiếu hụt tàu bay trên diện rộng khi Airbus và Boeing phải triệu hồi, sửa động cơ hoặc sự cố kỹ thuật. Điều này làm giảm cung ứng tải trên các đường bay và dẫn đến áp lực tăng giá vé khi nhu cầu vận chuyển hàng không tăng lên.
Thứ hai, chi phí nhiêu liệu xanh và giá nhiên liệu tăng, khó quay về lại mức cũ trước đây. Thứ ba, hãng bay tìm hướng kinh doanh hiệu quả sau thời gian lao đao dịch bệnh nên các chương trình khuyến mãi cắt giảm đẩy giá vé tăng để bù chi phí vận hành. Thứ tư, thiếu hụt nhân lực và tỉ giá USD tăng so với đồng nội tệ tại nhiều quốc gia, xung đột chiến tranh...
Trả lời về thực trạng giá vé, các hãng bay thừa nhận tình trạng thiếu máy bay, chi phí nhiên liệu đầu vào tăng là một trong những nguyên nhân khiến mặt bằng giá vé nội địa neo cao. Nhiều đơn vị cho biết, đã lên phương án tăng thêm số chỗ, số chuyến, số giờ bay để ‘hạ nhiệt’ giá vé, tạo điều kiện cho nhu cầu du lịch của người dân trong dịp nghỉ lễ.
Một lãnh đạo hãng bay tại Việt Nam thừa nhận giá vé máy bay sẽ tiếp tục leo thang, khó hạ giá như trước đây. Hiện, Việt Nam có 6 hãng bay, song chỉ Vietnam Airlines, Vietjet duy trì đội tàu trên 80 - 100 máy bay, còn lại các hãng khác giảm mạnh quy mô khiến hoạt động vận tải hàng không cung không đủ cầu, giá vé tăng.
Để thêm lựa chọn cho hành khách trong bối cảnh tải cung ứng giảm do ảnh hưởng của việc triệu hồi động cơ, ngày 18/4 vừa qua, Vietnam Airlines đã quyết định khai thác hàng ngàn chuyến bay đêm sau 21h mỗi ngày vào cao điểm lễ 30/4 và dịp hè.
Cụ thể, hãng khai thác và mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay khai thác vào khung giờ muộn từ sau 21h hằng ngày. Các nhóm đường bay tăng cường chuyến giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn…
Theo công bố, hãng sẽ tung nhiều vé hạng phổ thông, phổ thông tiết kiệm trong khung giờ ban đêm từ 1,7 - 1,9 triệu đồng/vé (bao gồm thuế phí) cho hành trình Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn…
Nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt máy bay, ngoài việc tăng chuyến bay đêm, các hãng bay đang tìm mọi phương án tối ưu khai thác, thông qua tăng hệ số sử dụng ghế trên chuyến bay, tăng thời gian khai thác máy bay.
Trong đó, Vietnam Airlines dự kiến tăng thời gian khai thác từ 10 lên 11 - 12 giờ/máy bay/ngày. Vietjet tăng từ 12 - 13 lên 13 - 14 giờ/máy bay/ngày. Thời gian quay đầu máy bay cũng được rút ngắn từ 45 phút xuống 30 - 35 phút.
Theo đại diện Hãng Hàng không Quốc gia thì sẽ cung ứng hơn 570.000 ghế và 2.900 chuyến bay trong dịp 30/4 trên các chặng nội địa và quốc tế, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.
Hãng Vietjet Air cũng dự kiến tăng thêm 86.000 ghế, tương đương 425 chuyến bay trên các đường bay du lịch, kéo giá vé về mức 490.000 đồng ở nhiều chặng.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong giai đoạn cao điểm nghỉ lễ này, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến cung ứng khoảng 900.000 ghế trên các đường bay nội địa. Trong đó, các đường bay từ hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đi đến các địa phương là 657.000 ghế; 3.400 chuyến bay, tăng tương ứng 4,2% về ghế cung ứng và 5,5% về số lượng chuyến bay so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng đội máy bay khai thác trong giai đoạn này được dự tính từ 165 -170 máy bay.
Hoàng Bách