Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, để thực hiện thí điểm chương trình này, đơn vị sẽ thành lập các tổ nha lưu động để tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe răng miệng, điều trị dự phòng cho tất cả các học sinh đang học tại 7 trường tiểu học (Trần Hưng Đạo thuộc Quận 1, Bàu Sen và Minh Đạo thuộc Quận 5, Lam Sơn và Nguyễn Huệ thuộc Quận 6, Cần Thạnh và Cần Thạnh 2 thuộc huyện Cần Giờ) với tần suất 2 lần/năm.
Thành viên của các tổ này bao gồm các nhân viên từ trường học, trạm y tế, trung tâm y tế, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Thành phố hoặc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP. Hồ Chí Minh.
Căn cứ kết quả khám tầm soát bệnh răng miệng, nhân viên y tế trường học lập danh sách các học sinh có vấn đề răng miệng cần được điều trị can thiệp tại buổi khám để hướng dẫn phụ huynh, người giám hộ của trẻ đưa trẻ đến khám và điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh về răng miệng. Đồng thời sẽ theo dõi kết quả điều trị bệnh răng miệng của các học sinh đang theo học tại trường.
PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Hiện nay ngành y tế đang quyết tâm chuyển đổi số, đặc biệt là áp dụng trong xây dựng nguồn dữ liệu sức khoẻ của người dân. Trong đó, dữ liệu số về chăm sóc sức khoẻ răng miệng của lứa tuổi học đường sẽ góp phần làm phong phú thêm dữ liệu sức khoẻ của người dân thành phố. Việc thí điểm tại 4 quận huyện lần này sẽ là nền tảng để triển khai rộng cho toàn thành phố".
Sau khi kết thúc lớp tập huấn, TP. Hồ Chí Minh sẽ ra quân khám đồng loạt tại 5 trường học của Quận 1, Quận 5 và Huyện Cần Giờ vào ngày 22/4/2024. Riêng Quận 6 sẽ tổ chức khám vào cuối tháng 5/2024.
Hoàng Bách