Tuần này, giá dầu giảm 3 phiên, tăng 1 phiên và trái chiều 1 phiên. Biến động của giá dầu chủ yếu là do dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc, Mỹ, tồn kho dầu của Mỹ và tình hình địa chính trị ở Trung Đông.
Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu giảm nhẹ, tối đa 30 cent, khi lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc lấn át tin tức kinh tế tích cực của Mỹ và tình hình căng thẳng vẫn tiếp diễn ở Trung Đông.
Lo ngại nền kinh tế Trung Quốc chậm lại sẽ làm giảm nhu cầu tiếp tục đẩy giá dầu lao dốc hơn 1% ở phiên giao dịch thứ 2 của tuần. Hạn chế mức giảm của giá dầu trong phiên là báo cáo tồn kho dầu của Mỹ giảm và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu của Mỹ thực tế giảm 4,9 triệu thùng, cao hơn so với dữ liệu từ API và cao hơn rất nhiều lần so với dự báo giảm 30.000 thùng của các nhà phân tích, cùng với sự suy yếu của đồng USD (chạm mức thấp nhất trong 17 tuần so với rổ các loại tiền tệ chính) là 2 nhân tố chính hỗ trợ giá dầu bất ngờ quay đầu tăng tốc khoảng 2% ở phiên giao dịch thứ 3 của tuần.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu đã không thể kéo dài sang phiên giao dịch thứ 4. Trong phiên này, giá dầu chỉ dịch chuyển nhẹ, với dầu Brent tăng 3 cent, dầu WTI giảm 3 cent khi các nhà đầu tư “vật lộn” với những tín hiệu trái chiều về nhu cầu dầu.
Khả năng sẽ có một lệnh ngừng bắn ở dải Gaza và sự bật tăng của đồng USD buộc giá dầu trượt dốc hơn 2 USD xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6 tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần.
Giảm 2,4 USD cả tuần, giá dầu Brent kết thúc tuần ở mức 82,63 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 2,08 USD và đóng cửa ở mức 80,13 USD/thùng. Giá dầu đánh dấu tuần giảm thứ 2 liên tiếp.
Trong nước, giá bán lẻ xăng dầu ngày 21/7 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.174 đồng/lít. Xăng RON 95-III không quá 23.178 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 20.504 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 20.664 đồng/lít. Dầu mazut không quá 17.611 đồng/kg.
Việt Anh (t/h)