Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có những lý giải về vấn đề liên quan tới giá xăng dầu, than và giá vận chuyển tăng cao.

Ông Đỗ Thắng Hải cho biết, trong những tháng cuối năm, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát nhưng giá nguyên liệu trên thế giới như xăng dầu, than, giá vận chuyển cũng tăng rất cao ảnh hưởng trực tiếp tới chỉ số CPI và lạm phát.

Cụ thể, chỉ số CPI tháng 10 đã giảm 0,2% so với tháng trước nhưng tăng 1,77% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 10 tháng năm nay, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Đồng thời, lạm phát cơ bản tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020. "Tuy nhiên, cả năm nay chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra. CPI cả năm sẽ vào khoảng 2%, thậm chí dưới con số này", ông Hải khẳng định.

Dù thế, Thứ trưởng Hải cho rằng, bước sang năm 2022, nền kinh tế thế giới và trong nước có khả năng phục hồi mạnh mẽ khi đạt miễn dịch cộng đồng, nhưng sẽ tạo ra áp lực lên lạm phát rất lớn. Việc các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, than, giá vận chuyển tăng sẽ ảnh hưởng tới giá thành, chi phí sản xuất tăng theo. Từ đó, giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, đồng thời ảnh hưởng tới các doanh nghiệp với mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước.

Giá xăng dầu tăng
Giá xăng dầu tăng "sốc" trong thời gian qua

Cũng theo ông Đỗ Thắng Hải, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo và các bộ ngành đã vào cuộc để giảm áp lực việc tăng giá thành. Riêng với Bộ Công Thương, mặt hàng xăng dầu đã được liên bộ Công Thương - Tài chính sử dụng linh hoạt, hiệu quả quỹ bình ổn giá để hạn chế mức tăng trong nước so với mức tăng cao của thế giới.

Theo ông Hải, từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng 59,08 - 76,03%. Tuy nhiên, do Việt Nam sử dụng quỹ bình ổn, giá xăng dầu trong nước từ đầu năm tới nay chỉ tăng 40,23 - 52,59%.

"Mặc dù đây là mức tăng rất cao ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp và người dân, nhưng cũng là cố gắng, nỗ lực của liên bộ và Chính phủ. Vì chúng ta chỉ sử dụng quỹ bình ổn", Thứ trưởng nói.

Đối với mặt hàng điện, đại diện Bộ Công Thương cho biết, mặc dù theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, khi giá các mặt hàng đầu vào để sản xuất ra điện tăng, có thể điều chỉnh giá điện. Nhưng các Bộ đã báo cáo chính phủ năm 2021 sẽ không tăng giá điện. Hai năm qua, trên cả nước đã có 5 đợt hỗ trợ giảm giá điện. Tổng số tiền hỗ trợ lên tới 16.650 tỷ đồng. Thế nhưng, việc điều chỉnh giá điện trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào diễn biến của tình hình thế giới và thị trường trong nước.

Để xử lý vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương đưa ra các một số giải pháp như cần có biện pháp để kiểm soát lạm phát, đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho nhu cầu; theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, kể cả lạm phát của các nước để có sự tham khảo kịp thời.

Đặc biệt, ông Hải cho rằng, cần đánh giá mặt hàng nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hoặc trong dài hạn trong nước để đưa ra chính sách phù hợp. Chủ động chuẩn bị sẵn sàng điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Thông tin phải kịp thời, rõ ràng, chính xác về các chính sách, giải pháp điều hành của chính phủ, các bộ ngành, địa phương nhằm loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường.

"Dự báo giá cả nguyên liệu trên thế giới sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Do đó cần nỗ lực đàm pháp để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô thông qua tăng cường hợp tác từ các cấp cao nhất của Chính phủ, các Bộ ngành, doanh nghiệp đối với các nước có nguồn có tài nguyên dồi dào", ông Hải nói và chia sẻ thêm, cần hỗ trợ các doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn để đảm bảo nguyên liệu đầu vào, ổn định giá thành sản xuất. Qua đó, kiểm soát lạm phát và đảm bảo sự ảnh hưởng nhỏ nhất tới đời sống nhân dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay, nhờ kiểm soát dịch bệnh, nền kinh tế từng bước mở cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần ổn định trong trạng thái bình thường mới, kinh tế - xã hội tháng 10 đã khởi sắc hơn so với tháng 9.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 6,9% so với tháng trước, 10 tháng tăng 3,3%. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 10 tăng 111,2% về số lượng và tăng 73,9% về vốn so với tháng 9; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 29,8%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng tăng 22%, trong đó xuất khẩu tăng 16,6%; nhập siêu giảm mạnh so với 9 tháng.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cho rằng, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro và sức ép lạm phát do nhiều mặt hàng tăng mạnh trên thị trường quốc tế và chỉ số lạm phát ở nhiều nước tăng mạnh. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công thấp, một số chuỗi sản xuất, lao động chưa phục hồi, đời sống một bộ phận nhân dân gặp khó khăn, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát....

Ông Trần Văn Sơn cho hay, kết luận phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; giám sát chặt chẽ nợ xấu; cơ cấu lại nợ và có giải pháp tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có khả năng lan tỏa về tăng trưởng; tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đầu tư công. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện chương trình phục hồi kinh tế.

Cùng với đó là bảo đảm cung cầu hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, không để thiếu hàng hóa; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường và quản lý, điều hành linh hoạt, hiệu quả về giá các mặt hàng thiết yếu; nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại; từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với áp dụng hộ chiếu vaccine, tạo điều kiện khôi phục thị trường du lịch.

Trúc Mai