Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án ODA do Chính phủ Thụy Sỹ (SECO) tài trợ, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương là đơn vị trực tiếp triển khai theo phương thức Quốc gia điều hành.

Khác biệt với những Hội thảo hay Diễn đàn thông thường, sự kiện lần này ngoài việc phổi biến kiến thức, hướng dẫn doanh nghiệp từng bước nâng cao nhận thức, đội ngũ diễn giả và các chuyên gia kỹ thuật sẽ tư vấn và hướng dẫn doanh nghiệp lên kế hoạch và ứng dụng lộ trình vào thực tế kinh doanh. Hoạt động tư vấn được triển khai tại Hội thảo và tiếp nối sau khi sự kiện kết thúc nếu các doanh nghiệp có nhu cầu.

“Giải pháp thương mại điện tử - để doanh nghiệp thành công hơn” - Hình 1

Ảnh minh họa

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm (cao gấp 2,5 lần so Nhật Bản). Ngoài tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, thì các doanh nghiệp ứng dụng internet và công nghệ tăng trưởng nhanh gấp 2,1 lần so với đơn vị không dùng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ thì tăng doanh thu gấp 9 lần so với doanh nghiệp chi dưới 10%.

Theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ sẽ đạt khoảng 20%/năm và đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020. Trên thực tế, thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ đang phát triển nhanh hơn với tốc độ tăng trưởng dự báo khoảng 25% trong năm 2017. Thời gian tới, thương mại điện tử sẽ trở thành kết cấu hạ tầng quan trọng của lĩnh vực thương mại Việt Nam. 

Mặc dù thương mại điện tử có tiềm năng lớn nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến thương mại điện tử chưa thể phát triển bền vững, đó là lòng tin của người tiêu dùng vào chất lượng hàng hóa, dịch vụ không giống như quảng cáo và tính bảo mật khi thanh toán qua mạng. 

Ngoài ra, hầu hết các trang thương mại điện tử Việt Nam đều đang được xây dựng theo một khuôn mẫu chung, đáp ứng một phần nhu cầu trưng bày hàng hóa, cung cấp tiện ích lựa chọn và thanh toán đơn hàng… mà chưa tích hợp được các dịch vụ cộng sinh cho một quy trình thương mại điện tử khép kín, như tối ưu digital marketing, kết nối điểm bán hàng online và offline. 

Gia nhập sân chơi thương mại điện tử, điều mà các nhà bán lẻ cần làm không chỉ là dựng lên một website bán hàng mà còn phải tính đến bài toán tổng thể cho một hệ thống kinh doanh, đồng bộ từ khâu sản xuất, marketing tiếp thị, quản lý đơn hàng/nguồn hàng và công tác vận chuyển, giao nhận.

Trước bối cảnh đó, Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương”, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng OCB tổ chức “Ngày hội thương mại điện tử -  Để doanh nghiệp thành công hơn” nhằm bàn về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập với xu hướng Digital Commerce.

Chương trình dự kiến thu hút hơn 300 chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại Hà Nội và các tỉnh/thành lân cận tham gia. Diễn giả là những chuyên gia tên tuổi trong nhiều lĩnh vực liên quan đến thương mại điện tử đến từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương); Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ; Mắt Bão Group; Công ty Cổ phần dịch vụ hậu cần BoxMe Việt Nam.

Ngày hội doanh nhân 2017 sẽ tập trung vào một số nội dung cụ thể sau: Chuyên đề 1: Thách thức, cơ hội và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và kỷ nguyên số; Chuyên đề 2: Xây dựng chiến lược kinh doanh kết hợp các giải pháp công nghệ; Chuyên đề 3: Digital transformation (Biến đổi số hóa) và Chiến lược của doanh nghiệp; Chuyên đề 4: Giải pháp thanh toán thúc đẩy thương mại điện tử tại Việt Nam; Chuyên đề 5: Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chuyên đề 6: Giải pháp hậu cần kho vận cho thương mại điện tử.

Phần thảo luận và đối thoại với các diễn giả tập trung vào phương hướng, biện pháp và khuyến nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập với xu hướng Digital Commerce.

Gia Linh